Nhìn thanh nam châm tua tủa những cây đinh hình thoi, sắc lẻm mà công nhân vệ sinh thu được trong chưa đầy 30 phút trên đoạn đường khoảng 200 m của QL1 (đoạn qua Khu công nghiệp Tân Tạo, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM) thật rợn người. Đó là bẫy của “
đinh tặc” giăng ra với người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là xe máy. Để rồi khi nạn nhân cán phải đinh bị thủng lốp, sẽ xuất hiện ngay những kẻ mời chào
vá xe, thay lốp với giá “cắt cổ” (nếu không muốn dắt bộ một quãng đường dài). Thậm chí, từng xảy ra vụ việc người đi xe máy khi cán phải đinh, do không làm chủ được tay lái, đã ngã xuống đường và thương tích nghiêm trọng.
Cận Tết, kinh hoàng đoạn đường khoảng 200m, hút gần 1kg đinh
|
Suốt thời gian dài, người dân đã ta thán rất nhiều về vấn nạn bất lương này. Hệ thống tòa án các cấp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… đã xét xử một số vụ án đối với “đinh tặc”, tuy vậy vẫn còn chưa nhiều so với hành vi đáng căm phẫn này trên thực tế. Điều 216 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về “tội cản trở giao thông đường bộ” quy định, tùy vào hậu quả do hành vi của người phạm tội gây ra, có thể bị phạt tù cao nhất 5 - 10 năm nếu hậu quả do hành vi của người phạm tội làm 3 người chết trở lên. Nhưng nếu hành vi đặt, rải đinh cản trở giao thông đường bộ chưa gây ra thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng
sức khỏe, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại một số điểm của khoản 4, điều 216. Đây là điểm mà nhiều chuyên gia về pháp luật chỉ ra rằng, rất khó để có thể bị
xử lý hình sự “đinh tặc”.
Tình trạng rải đinh, giăng bẫy người điều khiển phương tiện giao thông đang có dấu hiệu quay trở lại, nhất là dịp cận
Tết Nguyên đán. Điều này, chỉ có thể lý giải rằng, mức xử lý đối với “đinh tặc” chưa đủ sức răn đe.
Bình luận (0)