Đoạt 6/17 giải, thành tích của Việt Nam không cao như Thái Lan, nhưng hoàn toàn không tệ. Có điều, tỷ lệ đó có chút báo động khi các tác phẩm có xu hướng đi theo lối mòn đề tài. Nghệ sĩ Việt Nam “ghi danh bảng vàng” với những đề tài truyền thống như văn hóa dân gian, hay mẹ Việt Nam anh hùng hoặc chiến tranh.
Không chỉ báo động về đề tài, ngay cả về kỹ thuật chúng ta cũng có nhiều thua kém. Nếu như Trường mỹ thuật Thái Lan đang mạnh nhất ASEAN nhờ ảnh hưởng tích cực của họa sĩ đồ họa chuyên nghiệp người Ý đã tạo dựng ra nó thì giờ đây đào tạo của chúng ta vẫn quanh quẩn với kỹ thuật quá hạn chế. “Làm tranh đồ họa gắn liền với nguyên vật liệu, chất liệu, máy móc trong khi chúng ta mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Chẳng hạn, chúng ta không thể có những bản in cỡ lớn, cũng không có nhiều kỹ thuật phức tạp”, họa sĩ đồ họa Lê Huy Tiếp chia sẻ.
|
Nhưng đằng sau kỹ thuật phức tạp đó không hẳn là điểm yếu về kinh phí. Đúng hơn, nó thể hiện quan niệm còn hạn chế về đồ họa. “Bấy lâu nay chúng ta thường coi kỹ thuật không quan trọng, cảm xúc mới là điều làm nên tác phẩm. Chính vì thế, chúng ta đề cao những cảm xúc dân gian với khắc gỗ và rất ít kỹ thuật mới. Trong khi đó, kỹ thuật tranh đồ họa đã tiến quá dài. Trong triển lãm này, chính giám khảo chúng tôi cũng phải thay đổi tiêu chí chấm giải để thúc đẩy kỹ thuật”, họa sĩ Thành Chương phân tích.
Cũng chính vì kỹ thuật đồ họa đã tiến quá dài nên có những người tuy được đào tạo sau đại học về tranh đồ họa ở trường mỹ thuật cũng không hiểu hết kỹ thuật khó mà các bạn nước ngoài mang đến. Và cũng vì thế, khi tranh đồ họa với ưu điểm giá thành rẻ hơn tranh độc bản đã tràn vào đời sống nhiều nước bởi tính gần gũi thì tranh đồ họa ở nước ta vẫn còn quá xa lạ với công chúng. Thậm chí, ngay trong buổi họp báo trao giải, nhầm lẫn tranh đồ họa với tranh hội họa vẫn còn xảy ra.
Với giải thưởng tương đương giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc nhưng chi phí tổ chức thấp hơn nhiều, cuộc thi tranh đồ họa ASEAN được ông Vi Kiến Thành kỳ vọng sẽ trở thành sân chơi thường xuyên của các họa sĩ tranh đồ họa. “Các nước ASEAN sẽ luân phiên tổ chức cuộc thi này. Và nếu đến lượt, nước nào đó chưa sẵn sàng, chúng ta sẵn sàng làm thay”, vị Cục trưởng Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh nói.
Trinh Nguyễn
>> Tranh của họa sĩ Anh bán giá kỷ lục
>> Xem tranh của 14 họa sĩ lừng danh nhất Ấn Độ
>> Những bức tranh "Khát vọng" của 6 họa sĩ khuyết tật
>> Triển lãm nghệ thuật độc đáo của ba nữ họa sĩ Đức
>> Triển lãm tranh in đá của cố họa sĩ Vũ Cao Đàm
Bình luận (0)