Địu con đến trường và hành trình cô gái Việt lập nghiệp giữa trời Nhật

23/10/2018 18:48 GMT+7

Phạm Đỗ Phương Nga đang làm việc tại tập đoàn Toray, Nhật Bản . Chị chưa bao giờ quên những mồ hôi, nước mắt để có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay trên đất nước mặt trời mọc.

“Tôi nhớ nhất tiếng khóc ngằn ngặt của con gái mới 1 tuổi lúc địu con tới xem ngôi trường mình sẽ học cao học. Em bé khóc toáng, mọi người quay lại nhìn tôi, đó là một kỷ niệm không thể nào quên”, chị Nga, 39 tuổi, đang sống ở thành phố Tokyo xúc động.
Rửa bát, phụ bàn để có tiền ăn học
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp khoa Kinh tế, ĐH quốc gia Hà Nội, năm 2002 chị Nga tới Nhật Bản du học theo diện tự túc. 16 năm qua, chị đã nếm trải đủ những đắng cay bùi ngọt của cuộc sống.
“Ngày tôi tới Nhật, rất ít du học sinh người Việt ở đây. Tôi sống ở một tỉnh phía Bắc, trời rất lạnh, dân cư thưa thớt, tôi vừa đi học vừa đi làm thêm trong một quán ăn. Ngày đó, tôi chưa nói được tiếng Nhật nhiều, một chị trưởng nhóm có vẻ không thích tôi lắm và hay tìm cớ để bắt bẻ. Một ngày kết thúc ca làm, tôi đang ăn cơm chị vào tận nơi mắng sa sả vào mặt tôi, tôi ức nghẹn nhưng không thể cãi lại vì không biết nhiều tiếng Nhật. Vừa đạp xe về nhà tôi vừa khóc và động viên mình, phải học giỏi, thật giỏi để không còn bị bắt nạt như vậy nữa”, chị Nga kể lại.
Chị Nga trải qua nhiều gian khó trước khi có sự nghiệp ngày hôm nay Nga Phạm
Chị Nga tìm mọi cách để sớm hòa nhập cuộc sống, học được nhiều tiếng Nhật. Chị tìm các buổi nói chuyện giao lưu, dạy nấu ăn cho người già, nói chuyện giới thiệu văn hóa Việt Nam, thông qua đó, tìm được niềm vui giao lưu với mọi người, trau dồi tiếng Nhật. Chị xin được sống cùng một bác người Nhật cũng làm rửa bát ở quán ăn, cùng chia tiền nhà, cùng nấu ăn, trò chuyện nhiều điều. Cuộc sống lẻ loi ở Nhật của chị Nga bớt cô đơn hơn, vốn tiếng Nhật của chị cũng nhiều lên đáng kể.
“Có vô vàn những nỗi vất vả, gian truân trong thời gian mới sang Nhật, động lực của tôi đó là nghĩ tới mục tiêu mà mình sang đây. Nếu tôi bỏ cuộc, tôi là người thua cuộc, sẽ mất tất cả. Tôi nghĩ đến tương lai”.
Năm 27 tuổi, chị Nga tốt nghiệp trường nghề, lúc này gia đình hai bên giục chị kết hôn với một người bạn trai quen đã lâu tại Nhật. Chị Nga lấy chồng, sinh con, chuyển tới Tokyo sống và bắt đầu những chuỗi ngày làm việc nhà, chăm sóc con, nấu cơm đợi chồng về nhà. “Tôi stress, tôi buồn bã vô cùng, tôi nhớ lại lý do tôi sang Nhật là gì, chẳng lẽ cuộc đời tôi kết thúc trong 4 bức tường như vậy sao. Tôi cho rằng thế là không được rồi, tôi phải đi học, đi làm trở lại”, chị Nga thúc giục chính mình.
Con gái 1 tuổi, chị Nga địu con tới trường Bunka Fashion Graduate University, thăm quan nơi mình sẽ học cao học, con khóc ngằn ngặt. Gia đình chỉ có hai vợ chồng, không có người thân bên cạnh giúp đỡ, chị Nga vừa lo toan mọi việc, vừa chăm con, vừa lo bài vở. Năm thứ hai cao học, chị Nga bắt đầu đi tìm việc làm, khi đó người phụ nữ này đã 32 tuổi.
Một người mẹ kiên cường
Nước Nhật ưu tiên những lá thư xin việc viết tay, chị Nga đã viết đi viết lại không biết bao nhiêu lá thư. Là phụ nữ đã có chồng, con, tìm được việc làm ở Nhật vô cùng khó khăn. Nhiều nơi phỏng vấn chị xong, nhìn lại hồ sơ biết chị đã có con đành nói lời từ chối: “Tôi không buông xuôi, dù trong mình rất mệt mỏi. Tôi nghĩ là còn nước còn tát, mình cứ gõ cửa xem có cánh cửa nào mở ra. Và đó là một công ty thời trang, họ không hỏi tôi đã có con hay chưa. Tôi thực tập ở đó, sau đó chuyển sang tập đoàn thời trang Toray”.
Gia đình hạnh phúc của chị Nga, em bé mẹ địu trên lưng đi học ngày nào nay đã lớn Nga Phạm
Con chưa được 3 tuổi nên rất hay ốm, chị Nga đang làm nghe cô giáo của con gọi điện lại phải về giữa chừng, rất nhiều lần như thế. Chị Nga cho hay, những năm gần đây do thiếu lao động, phụ nữ Nhật bắt đầu "hòa nhập" vào xã hội như nam giới, nhiều người sau khi sinh con vẫn quay lại công ty làm việc.
Sau khi quay lại làm việc, phụ nữ được phép giảm giờ làm (từ 1-2 giờ/ngày) để dành thời gian chăm sóc con cái, em bé cũng sẽ được trợ cấp của chính phủ, nhưng giảm giờ làm tương đương với giảm lương và thường là ít được giữ vị trí quan trọng trong công việc.
“Vừa đi làm, vừa chăm con sẽ rất vất vả khi thời gian đầu cả mẹ và con chưa thích nghi môi trường mới, áp lực phải nắm bắt công việc nhanh trong một ngày làm việc cố định từng đó thời gian, về nhà con hay quấy khóc… Thế nhưng khi mọi thứ đã vào quỹ đạo, tôi thấy mọi thứ thú vị hơn và không cảm thấy mình vất vả nữa”, chị Nga bộc bạch.
Chị Nga (thứ 2 từ trái qua) tham gia nhiều hoạt động xã hội Nga Phạm
Hiện tại, chị Nga đang là trợ lý kinh doanh mảng thời trang thể thao tại tập đoàn Toray và là người Việt Nam duy nhất làm việc tại tập đoàn này. Người phụ nữ sinh năm 1979 ấp ủ dự định sẽ có một dự án kinh doanh của riêng mình, góp phần kết nối giữa Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời sẽ có nhiều hơn nữa thời gian trở về quê hương, quan tâm tới cha mẹ đang cao tuổi ở Việt Nam.
Người phụ nữ kiên cường lập nghiệp giữa trời Nhật bộc bạch: “Dù bạn 18, 20 tuổi hay bắt đầu sự nghiệp ở tuổi trên 30 như tôi, thì bạn đừng nản. Cuộc đời sẽ trả công xứng đáng cho những nỗ lực, bạn sẽ được gặt hái thành công sau chính những công sức bạn bỏ ra”.
Niềm hạnh phúc giản dị của chị Nga đó là mỗi ngày nhìn thấy con gái mình tíu tít kể chuyện bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt sau những giờ học ở ngôi trường Việt ngữ ở Tokyo: “Tôi vui vì ở mái trường này, con có một cộng đồng người Việt, con có thể cảm nhận được quê hương con ngay bên cạnh”.
Người phụ nữ truyền cảm hứng cho giới trẻ ở Nhật
Mới đây, chị Nga xuất hiện trong chương trình Talk VietPro, chuỗi chương trình vinh danh những người Việt thành công ở Nhật.
Chị Nga đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ. Nhiều bạn trẻ đã vô cùng xúc động khi lắng nghe những chia sẻ của bà mẹ trẻ Phạm Đỗ Phương Nga. "Tôi nhìn chị Nga và thấy mình không được lùi bước trước mọi khó khăn. Khi một cánh cửa này đóng lại, tôi sẽ tiếp tục đi gõ một cánh cửa khác, cơ hội sẽ đến với chúng ta khi chúng ta không từ bỏ", Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên Trường ĐH quốc tế Tokyo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.