DN Trung Quốc 'nhảy' vào thị trường tin nhắn rác VN: Móc túi khách hàng trắng trợn

30/09/2016 08:02 GMT+7

Rất nhiều bạn đọc bức xúc có ý kiến sau khi đọc bài DN Trung Quốc “nhảy” vào thị trường tin nhắn rác VN đăng trên Thanh Niên ngày 29.9.

Thật khổ hết biết !
Thật khổ hết biết! Đây là cách làm tiền, xà xẻo, móc túi trắng trợn của các nhà mạng mà không hiểu sao các cơ quan quản lý lại không thể dẹp được. Tôi cho rằng, các mạng ĐTDĐ rất thiếu tôn trọng khách hàng của mình, khi tìm mọi chiêu trò để rút tiền từ thuê bao ĐTDĐ. Tốt nhất là tự bảo vệ mình, đừng bị “dụ” mà nhắn tin theo các cú pháp nhà mạng đưa ra.
Ngọc Thiên (TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Sao không kiểm soát được?
Các nhà mạng hưởng doanh thu quá lớn, các công ty cung cấp dịch vụ nội dung chỉ cần ký được cái hợp đồng với nhà mạng cũng ngồi ung dung hưởng lợi, rồi share lại với nhiều công ty con khác. “Mê hồn trận” này chung quy cũng là để xúm nhau móc túi khách hàng.
Vấn đề ở chỗ, nếu có tâm thì cơ quan quản lý phải bảo vệ cho người tiêu dùng. Sao lại không kiểm soát được? Chuyện này xảy ra liên tục, kéo dài nhưng rốt cuộc tin nhắn rác vẫn hoành hành, các chiêu thức “dụ” khách hàng của các nhà mạng vẫn diễn ra. Ngoài các nhà mạng, ai được lợi từ câu chuyện này?
Trần Thị Thu (Q.9, TP.HCM)
Lợi nhuận quá lớn
Mỗi tin nhắn khuyến mãi đưa ra sẽ có biết bao nhiêu thuê bao nhắn tin để mong trúng thưởng. Con số hàng chục ngàn tỉ đồng thu về từ các dịch vụ giá trị gia tăng là siêu lợi nhuận. Mức độ lợi nhuận như thế, thì việc có nhiều công ty cung cấp dịch vụ nội dung nhảy vào là điều tất nhiên. Nhưng tựu trung, người sử dụng ĐTDĐ lãnh đủ. Có lập luận nói rằng, thuê bao đừng nhắn tin vào các cú pháp do các công ty cung cấp dịch vụ nội dung đưa ra, nhưng thật sự người sử dụng ĐTDĐ cũng khó mà cưỡng nổi cám dỗ từ các dịch vụ, nhất là thuê bao di động ở các vùng nông thôn, vùng xa…
Hoàng Ân (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Phải tự bảo vệ
Trước một rừng tin nhắn rác như vậy, tốt nhất là phải tự bảo vệ mình. Một số lần mất tiền oan, nên sau này tôi không nhắn tin vào bất cứ dịch vụ nội dung nào nữa cả. Cách làm ăn của các nhà mạng quá áp đặt. Chẳng cần biết thuê bao có chấp nhận hay không, mà cứ nhắn tin vào đầy rẫy như thế, tôi cho đó là hành vi kinh doanh thiếu văn hóa. Không thể để tồn tại chuyện này mãi được, phải có cách chấm dứt thôi. Lợi nhuận đến mức khủng như vậy, xử phạt vài tỉ đồng cũng chưa ăn thua gì so với số tiền mà họ thu về, chứ đừng nói phạt vài trăm triệu đồng.
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Trước đây, khi tin nhắn rác chưa dồn dập tôi cũng thử tham gia. Tuy nhiên, càng về sau tin nhắn rác càng nhiều và mức độ đáng tin cậy không còn, cảm giác bị làm phiền nhiều hơn nên tôi không thèm quan tâm. Điều đáng nói là những tin nhắn rác trúng thưởng lại được nhiều người lớn tuổi, người ở các vùng quê tin tưởng tham gia, kết quả nhận được là tiền mình thì mất mà lại làm giàu cho doanh nghiệp Trung Quốc. Nhà mạng cần có biện pháp bảo vệ khách hàng của mình, đừng tiếp tay cho những doanh nghiệp làm ăn kiểu móc túi như thế nữa.
Trần Thị Duyên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
       
Ngày nào cũng nhận được vài ba tin nhắn rác mà phát bực. Không biết phải kiện ai và làm cách nào nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Nay biết được những tin nhắn đó một phần là từ doanh nghiệp Trung Quốc và họ thu về lợi nhuận khổng lồ thì càng bực mình hơn. Phải làm gì đó để ngăn tình trạng này lại, không thể để họ hưởng lợi trên sự bực bội, thiệt thòi từ người dùng ĐTDĐ, trong đó có tôi.
Huỳnh Duy Hiệu (Q.8, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.