'Đồ cổ' của lực lượng hạt nhân Mỹ

01/06/2016 08:00 GMT+7

Quy trình vận hành kho vũ khí hạt nhân hùng hậu của Mỹ hiện vẫn dựa vào những chiếc đĩa mềm và hệ thống máy tính từ thời 1970.

Mỹ được biết đến là một trong những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin nên thật khó tin khi báo cáo mới đây của Cơ quan Kiểm toán chính phủ (GAO) cho biết nhiều bộ ngành vẫn còn dùng các hệ thống công nghệ thông tin lạc hậu.
Báo cáo cho hay Lầu Năm Góc là một trong nhiều bộ thuộc chính phủ Mỹ cần khẩn cấp nâng cấp “các hệ thống thuộc hàng di sản”. Mỗi năm Mỹ phải chi hơn 64 tỉ USD tiền thuế của dân vào việc vận hành cũng như bảo trì những công nghệ thông tin lỗi thời. Số tiền này được cho là cao hơn gấp 3 lần so với đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Còn chạy tốt
Theo báo cáo của GAO, thời đại công nghệ phát triển như vũ bão song Bộ Quốc phòng Mỹ hiện vẫn còn dùng đĩa mềm trong hệ thống. Điều bất ngờ là ngay cả Hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng dùng cho việc “điều phối chức năng tác chiến của các lực lượng hạt nhân như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom và máy bay tiếp liệu vẫn chạy trên một chiếc máy tính IBM Series/1 từ thập niên 1970 và sử dụng những chiếc đĩa mềm loại 20 cm”, theo Hãng tin AFP dẫn bản báo cáo của GAO ngày 25.5.
Hệ thống chỉ huy và kiểm soát tự động chiến lược trên là một mạng lưới thông tin quan trọng được Lầu Năm Góc sử dụng để ban hành lệnh phóng cho các chỉ huy cũng như chia sẻ thông tin tình báo. Trong khi máy tính IBM Series/1 xuất hiện từ năm 1976, dưới thời Tổng thống Gerald Ford và họa may chỉ còn lưu giữ trong các bảo tàng.
Để dễ so sánh, các đĩa mềm đang được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng kể trên có dung lượng lưu trữ là 237,25 kB, chỉ đủ lưu 15 giây âm thanh và lại mất khá nhiều thời gian nếu muốn lưu lượng thông tin lớn, theo trang tin thenextweb.com. Trong khi công nghệ lưu trữ thông tin ở thời đại hiện nay đã tiến xa với nhiều thẻ nhớ có thể lên đến 128 GB. Chẳng hạn để lưu trữ lượng dữ liệu tương đương 32 GB thì giới chức hạt nhân Mỹ phải cần đến hơn 130.000 đĩa mềm và khi xếp chồng lên nhau chúng sẽ cao hơn 200 m.

tin liên quan

Mỹ mua nguyên liệu vũ khí hạt nhân của Iran
Ngày 23.4, Hãng tin ISNA (Iran) dẫn lời giới chức nước này xác nhận thương vụ bán 32 tấn nước nặng, thành phần quan trọng trong việc chế tạo vật liệu phóng xạ cấp độ vũ khí, cho Mỹ với giá 8,6 triệu USD.
Báo cáo của GAO chỉ ra rằng ngoài Bộ Quốc phòng, nhiều cơ quan khác trong chính phủ Mỹ cũng cần nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin do vẫn còn vận hành các chương trình được viết bằng ngôn ngữ lập trình đã có từ cách đây hơn 50 năm. GAO cho biết hệ thống của Bộ Tài chính vẫn đang dùng “mã hợp ngữ”, một loại ngôn ngữ lập trình được sử dụng từ thập niên 1950. Đài CNBC dẫn báo cáo của GAO cho biết thêm Bộ Tài chính, Bộ Thương mại... vẫn đang dùng hệ điều hành được Microsoft trình làng trong những năm 1980 - 1990 và không còn được hãng này hỗ trợ cách đây hơn một thập niên. Còn Bộ Tư pháp vẫn duy trì các chương trình quản lý dữ liệu được viết bằng ngôn ngữ COBOL thịnh hành thời thập niên 1970.
Lý giải hiện trạng lạc hậu trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Valerie Henderson nói: “Hệ thống này đang được sử dụng vì đơn giản là nó vẫn hoạt động ổn. Tuy nhiên, để giải quyết các mối bận tâm về tình trạng lỗi thời, các ổ đĩa mềm dự kiến sẽ được thay thế bằng thiết bị kỹ thuật số an toàn vào cuối năm 2017”, bà Henderson chia sẻ.
Bà này cho biết thêm công cuộc hiện đại hóa toàn bộ hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc hạt nhân vẫn đang diễn ra. Báo cáo của GAO tiết lộ Lầu Năm Góc có kế hoạch thay thế toàn bộ hệ thống này vào cuối năm 2020.
Chống được tin tặc?
Thực tế cho thấy việc Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn dùng hệ thống máy tính cũ kỹ cho lực lượng hạt nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm phê duyệt các kế hoạch đầu tư nâng cấp. Theo AFP, Văn phòng Quản lý ngân sách thuộc chính phủ Mỹ đã đưa ra sáng kiến thay thế các hệ thống công nghệ thông tin “cổ lỗ sĩ”, nhưng cho đến nay kế hoạch này vẫn chưa được thông qua.
“Chính phủ vẫn phải duy trì sử dụng những hệ thống thông tin lạc hậu cho đến khi sáng kiến thay thế mới được áp dụng”, theo báo cáo của GAO. Còn báo The Washington Post dẫn nguồn từ các chuyên gia quốc phòng cho hay hệ thống tụt hậu hóa ra lại an toàn tuyệt đối. Thông thường máy tính thuộc loại “tuyệt chủng” thì tin tặc ít lưu tâm nên khó bị tấn công, vì thế có độ bảo mật cao.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là chính phủ Mỹ hiện gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài trong ngành công nghệ thông tin từ các trường đại học danh tiếng như Viện Công nghệ thông tin Massachusetts (MIT), Đại học Carnegie Mellon.
Báo The Washington Post đưa tin hồi năm 2015, chỉ có 1,1% sinh viên tốt nghiệp MIT chịu đầu quân vào các bộ ngành chính phủ. Tương tự, số người tốt nghiệp Trường Carnegie Mellon gia nhập các văn phòng chính phủ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Giới chuyên gia còn cho biết các trường đại học tại Mỹ hiện thiếu những khóa đào tạo cách thức chống lại chiến tranh mạng. Việc đào tạo về an toàn thông tin không bắt buộc trong 10 chương trình khoa học máy tính hàng đầu của quốc gia. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân tài đối phó tin tặc khiến công việc của lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy tác chiến mạng Mỹ cũng trở nên quá tải, khó khăn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.