|
Một cửa hàng trực tuyến chuyên bán đồ hàng không, có địa chỉ ở đường Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) quảng cáo bán hơn 200 mặt hàng, toàn đồ của hãng VNA giá rẻ. Tuy nhiên, khi khách hàng tìm đến đây để mua thì không khỏi ngỡ ngàng vì không thấy có cơ sở nào như quảng cáo trên mạng. Theo số điện thoại liên hệ, chúng tôi đã gọi đến cửa hàng này. Sau rất nhiều lần, mới có người nhấc máy. Khi nghe chúng tôi bày tỏ muốn đến xem hàng tận nơi, người bán hàng ngay lập tức từ chối: “Cửa hàng chỉ bán qua mạng, không bán trực tiếp, tại Minh Khai là địa chỉ giao dịch. Khi có khách đặt hàng, cửa hàng sẽ đi lấy ở kho”.
Tại một shop bán hàng khác, quảng cáo chuyên bán buôn, bán lẻ đồ hàng không, có địa chỉ ở xã Mễ Trì (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng gây bất ngờ, khi chúng tôi tìm đến nơi, thì thấy đây chỉ là một con ngõ dẫn thẳng ra cánh đồng. Chỉ khi nói mua hàng về bán buôn, người bán hàng mới tận tình chỉ dẫn địa chỉ chính xác. Khác xa với hình ảnh long lanh trên mạng, shop bán hàng là căn nhà lụp xụp, nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Bên trong tềnh toàng với những thùng giấy đựng chăn, bát đĩa, bột giặt, dép…ngổn ngang trên nền nhà ẩm mốc.
|
PV Thanh Niên tìm đến một cơ sở bán hàng khác, ghi địa chỉ ở Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội), lại vẫn là một ngõ sâu hun hút, không biết đâu là cơ sở bán hàng.
Khó kiểm soát
Theo thông tin được quảng cáo thì có hàng trăm mặt hàng “xuất xứ” từ các chuyến bay được bán ra thị trường với giá rất rẻ như: các loại chăn đắp với đủ loại, từ chăn bay tuyến trong nước, chăn tuyến Đông Nam Á, chăn tuyến Hàn Quốc… giá từ 75.000 - 170.000 đồng/chiếc; dép trên máy bay từ 15.000 - 25.000 đồng/đôi; đồ ăn bơ, mứt 2.500 đồng/vỉ; bịt mắt ngủ trưa 5.000 đồng/chiếc; tai nghe 40.000 đồng/chiếc… Đáng chú ý, các cửa hàng còn bán cả đồ trên khoang hạng thương gia, trong đó có rượu với giá chỉ 35.000 đồng/chai.
Khi được hỏi có đúng là đồ dùng của VNA hay không thì các chủ cửa hàng đều khẳng định là “hàng xịn” do có người nhà làm ở VNA cung cấp. Tuy nhiên, trong vai người mua buôn, PV Thanh Niên đã được một người bán hàng bật mí, những đồ dùng này hầu hết là hàng second hand (đã qua sử dụng) được gom về, giặt khô, cho vào túi nilon, bán ra thị trường. “Những nơi quảng cáo hàng mới chỉ là lòe người mua hoặc chỉ là hàng nhái”, một chủ của hàng khẳng định.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại bày tỏ, không riêng gì đồ dùng hàng không, trên mạng hiện nay, bán tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Theo nguyên tắc, Cục thương mại điện tử (Bộ Công thương) và Quản lý thị trường chịu trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ mới quản lý các website thương mại điện tử có đăng ký, còn các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ, lợi dụng mạng xã hội bán hàng không rõ nguồn gốc, không địa chỉ, để trốn thuế nên rất khó kiểm soát. Ông Hùng khuyến cáo, người dân nên cảnh giác khi mua hàng qua mạng vì có rất nhiều rủi ro. Nếu ham rẻ, có thể mua phải hàng giả, hàng kém lượng nhưng rất khó khiếu nại, giải quyết tranh chấp.
Hải Bình
>> Thị trường 'ngộ độc' hàng nhái, giả
>> White Doctors cảnh báo có xuất hiện hàng nhái hàng giả
>> Phụ huynh lo lắng hàng nhái Coca Cola giá 2.000 đồng
>> Ngành túi xách thiệt hại nặng vì hàng nhái
Bình luận (0)