Khu vực nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè tự phát ở vịnh Mân Quang lên đến hơn 17ha mặt nước, từ hơn 20 năm trước của ngư dân vịnh Mân Quang, TP.Đà Nẵng. Ở đây có hơn 350 hộ nuôi cá lồng bè, với hơn 1.000 lao động miền biển.
Hiện tại, người dân khu vực này đang đẩy nhanh tiêu thụ hải sản để đảm bảo quy trình tháo dỡ trại, lồng bè, hạn đến cuối tháng 11 theo thông báo trước đó, nhưng vẫn còn cả trăm tấn thủy hải sản đang gặp khó vì không có đầu ra. Do tình hình dịch bệnh tại địa phương diễn biến phức tạp, các hàng quán đóng đều cửa, chợ truyền thống bán cầm chừng...
Cá liên tục được kéo lên bờ mà người mua thì vắng |
an dy |
Cá quá ký, giá giảm vẫn không có người mua
Cả trăm tấn cá lồng bè vịnh Mân Quang tồn đọng, người dân tha thiết cầu cứu |
Có mặt tại điểm tập kết thủy hải sản vịnh Mân Quang ở cuối đường Hồ Hán Thương (Q.Sơn Trà) đoạn giáp mặt vịnh, PV gặp những khuôn mặt ngư dân lo lắng, tất bật khi các mẻ cá phải kéo lên bờ mà người mua thì không có. Từ sáng đến tận trưa, hàng tấn cá dưới vịnh lần lượt được kéo lên, nhảy tưng bừng trong lưới mà người nuôi thì héo hắt...
Ngư dân Hồ Thanh Quý (chủ bè cá ở vịnh Mân Quang) vừa chật vật tìm người mua, vừa đảm bảo thời gian kịp tháo dỡ lồng bè theo quy định. Gần 2 năm cầm cự tiêu thụ giữa mùa dịch Covid-19, giờ đây ông Quý lại tất tả đưa cá đi tiêu thụ giữa khi dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng đang phức tạp khiến thị trường càng khó khăn, giá bấp bênh.
Cá bớp cỡ lớn 1 con gần 4kg có giá 130.000 đồng/ký |
an dy |
Chỉ tay ra bè cá cách đó không xa, ông Quý cho biết ông còn gần 20 tấn cá các loại như cá bớp, cá mú, cá chim, cá vẩu mà sức tiêu thụ thì quá chậm. “Đang mùa dịch thì lượng tiêu thụ nó rất ít, nhỏ giọt, không đáng kể so với lực mà bà con ở đây nuôi. Cá giờ đều ở cỡ lớn cả rồi... mà giá bán ra chưa bằng 2/3 ngày thường”, ông Quý nói.
Trong khi đó, những hộ dân như ông Đặng Thành Long (chủ bè cá ở Vịnh Mân Quang), còn lo hơn khi hàng mấy tấn cá sủ của ông đang rất khó tiêu thụ. Ông Long cho biết, trước giờ những loại cá này chủ yếu do các nhà hàng thủy hải sản thu mua phục vụ du khách. Giờ quán xá ế ẩm do dịch, tiêu thụ càng khó. Hiện tại, cá sủ ở bè ông Long đã phát triển lên đến size lớn 1 con hơn 1,2kg, được bán với giá 70.000 đồng/ký, nhưng vẫn không có ai mua.
“Chợ người ta quen mua cá bớp, cá khế, cá mú... chứ cá sủ họ không quen. Cá sủ chỉ thường vào nhà hàng nên giờ những ngày cận kề tháo dỡ rất khó tìm nguồn tiêu thụ. Dù địa phương đã hỗ trợ thông tin nhưng vẫn khó. Cá cân quá ký, giá giảm nhiều vẫn không có người mua”, ông Long bất lực.
Chính quyền rao bán cá giúp dân
Nhiều tháng qua, theo chủ trương từ trước, trong khi gần 300 hộ dân đã dần tháo dỡ di dời lồng bè, trả lại diện tích mặt nước thì vẫn còn gần 50 hộ dân của các phường Nại Hiên Đông, Mân Quang, An Hải Bắc... vẫn đang tồn lưu một lượng hải sản lớn lên đến cả trăm tấn. Hiện các hội nông dân phường, quận đang tích cực kết nối, chia sẻ thông tin đến các hội đoàn thể, tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu tiêu thụ cá giúp bà con.
Khi cá mú của hộ ông Nguyễn Thanh Hùng (P.Mân Thái, Q.Sơn Trà) vừa kéo lên thì rất may được kết nối với vài điểm tiêu thụ từ phường, quận nên ông mừng lắm. “Hiện bây giờ thì tôi mới đưa lên đây khoảng mấy tạ thôi, còn hơn 5,5 tấn cá còn dưới đó. Nguồn mua thì giờ chủ yếu phường giới thiệu giúp chứ hiện không bán ra ngoài được... Mà thời gian tháo dỡ chỉ còn hơn chục ngày nữa thôi”, ông Hùng thở dài.
Những ngư dân này cho biết, có những hộ dân nuôi cá hơn 20 năm, với các đầu mối tiêu thụ ổn định vẫn gặp khó khi cá bán ra gấp gáp giữa mùa dịch.
Vẫn còn nhiều lồng bè chưa được tháo dỡ do còn hàng chục tấn cá chưa thể tiêu thụ |
an dy |
Hiện tại, các lực lượng chức năng vẫn đang túc trực tại vịnh Mân Quang để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân tháo dỡ lồng bè, giúp kết nối tiêu thụ thủy hải sản. Ông Hồ Tấn Phước (Phó Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) cho biết: "Hiện chưa có trường hợp nào phải cưỡng chế, bà con đều hợp tác. Chúng tôi thì đang nỗ lực tìm đầu ra giúp bà con để họ yên tâm".
Việc chấm dứt nuôi cá lồng bè tự phát là theo quy hoạch của chính quyền TP.Đà Nẵng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, điều các hộ dân này cần là một phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hợp lý và kịp thời. Hiện có khoảng 500 hộ dân với hơn 1.000 lao động nuôi trồng thủy sản tại vịnh Mân Quang vẫn đang loay hoay với bài toán sinh kế sau khi tháo bè lên bờ ngay giữa mùa dịch dã khó khăn...
Bình luận (0)