Ngày 31.10, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết độ mặn 4g/l (4‰) có thể xâm nhập vào đất liền 25 - 35 km từ đầu tháng giêng, đến tháng 3 - 4 có thể vào sâu từ 40 - 65 km. Tình trạng xâm nhập mặn sẽ gay gắt hơn vào các thời điểm giữa và cuối tháng khi kết hợp với triều cường.
Các vùng này sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Hạn, mặn sẽ đe dọa trực tiếp các tỉnh ven biển như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tổng diện tích lúa của các tỉnh này khoảng 620.000 ha, chiếm 40% diện tích toàn vùng ĐBSCL.
Dự báo toàn vùng ĐBSCL có khoảng 100.000 ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng cao từ xâm nhập mặn, cụ thể ở các địa phương như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú (Sóc Trăng); Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai (Bạc Liêu); An Minh, An Biên, Hòn Đất (Kiên Giang) và Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang).
Nước mặn xâm nhập vào nội đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trổ, chín của lúa đông xuân, ảnh hưởng gián tiếp làm rối loạn các quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa, suy giảm năng suất lúa...
Bình luận (0)