|
Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi thực hiện mở rộng sang các tuyến phố khác, TP cần khắc phục những bất cập hoạt động các chợ đêm tại những tuyến phố đi bộ hiện hành, trong đó nổi lên là hàng hóa Trung Quốc được bày bán phổ biến, giá vé trông xe… cắt cổ.
Qua khảo sát của PV, ngay tại đầu phố đi bộ - Hàng Ngang, điểm trông giữ xe đối diện với tòa nhà Hàm Cá Mập trong một tối thứ 6 có tới hàng trăm xe máy, giá mỗi lượt 30.000 đồng/xe. Các điểm trông giữ xe khác tại đầu các ngã tư giao cắt với 4 tuyến phố đi bộ tuy giá thấp hơn nhưng cũng không dưới 10.000 đồng/lượt xe.
Đáng chú ý, giá cả hàng hóa tại phố đi bộ tuy rẻ nhưng đa phần đều là… hàng Tàu và chủ yếu là quần áo, phụ kiện thời trang. Anh Huy Vũ, một du khách đến từ TP.HCM, nhận xét: Tôi đi công tác nhiều lần ra đây nên biết chợ có những gì, nhưng nếu là khách du lịch thì sẽ thất vọng bởi đồ bán tại đây đa phần là đồ Trung Quốc. Chợ đêm không bày bán nhiều các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội nên nếu chọn mua đồ làm quà rất khó.
Anh Nguyễn Ngọc Luân, chủ quán ăn uống, kết hợp quầy bar tại 62 Đào Duy Từ cho hay đã nghe thông tin về mở rộng phố đi bộ từ nửa năm nay, nếu phố Đào Duy Từ được quy hoạch thành điểm ẩm thực sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới cho anh, còn nếu tuyến này thành nơi bán quần áo như những tuyến phố đi bộ trước thì việc kinh doanh sẽ càng khó khăn hơn do khu vực này sẽ bị cấm xe, khách phải đi bộ khá xa.
Không bán hàng dưới lòng phố mở rộng
Trao đổi với PV, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân - đơn vị được giao thực hiện Đề án mở rộng không gian đi bộ phố cổ, cho hay, hiện phương án mở thêm 6 tuyến phố đi bộ đã thay đổi so với dự kiến ban đầu. Theo đó, sẽ không sắp xếp các gian hàng bán dưới lòng đường mà tổ chức thành tuyến phố ẩm thực Kinh kỳ kết hợp đi bộ kết nối các phố quanh Hồ Gươm.
Ông Thủy lý giải khi kết hợp tuyến cũ và mới sẽ có các phố mua sắm, phố ẩm thực, đi bộ thực để phát huy được hết giá trị của từng khu phố. Đây cũng là cách để giảm mật độ các phương tiện vốn đang tập trung rất lớn vào buổi tối và lộn xộn ở khu vực này.
Để tránh ùn tắc, UBND quận cũng sẽ tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông từ phía Bắc qua phía Nam và ngược lại. Sẽ có 12 chốt được bố trí người và phương tiện để bảo đảm giao thông thông suốt ở khu vực tuyến đi bộ mở rộng. Để khắc phục tình trạng “chặt chém” trông xe, UBND quận sẽ bố trí thêm 2 điểm trên hè tại phố Gia Ngư và phố Nguyễn Hữu Huân; đề nghị Sở GTVT bố trí thêm khoảng 4 điểm trông giữ xe tại các phố Đào Duy Từ, Hàng Chĩnh, ngõ Cầu Gỗ và Chương Dương.
Liên quan tới các mặt hàng bày bán tại 4 tuyến phố đi bộ được cho là nhiều hàng Tàu, ông Thủy cho rằng, đây là “câu chuyện của người mua”, bởi các đồ làng nghề đã từng bày bán ở đây rất nhiều nhưng sức mua không mạnh thì rất khó phát triển. Lượng khách mua sản phẩm đặc trưng truyền thống chủ yếu là du khách nước ngoài, trong khi chợ đêm mở ra phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân. Đó là chưa kể, các mặt hàng sản xuất trong nước còn yếu quá, khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Trong tháng 11 tới, đề án sẽ trình UBND TP phê duyệt và dự kiến tháng 12.2013 sẽ bắt đầu thực hiện.
An Đạo
>> Bắt chẹt du khách tại chợ đêm Đà Lạt
>> Chấn chỉnh hoạt động chợ đêm Đà Lạt
>> Hăm dọa, hành hung du khách ở chợ đêm Đà Lạt
>> Côn Đảo sắp có chợ đêm
Bình luận (0)