Thân nhiệt của con người là khoảng 37 độ C. Cơ thể sẽ liên tục theo dõi và điều chỉnh để thân nhiệt luôn duy trì ở mức này, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Đổ nhiều mồ hôi là cách cơ thể tự làm mát chứ không phải đốt nhiều calo |
SHUTTERSTOCK |
Một trong những cơ chế làm mát quan trọng nhất của cơ thể là đổ mồ hôi. Mồ hôi có thành phần chủ yếu là nước, được tiết ra từ các tuyến mồ hôi trên da. Khi thân nhiệt nóng lên do vận động, mồ hôi sẽ làm mát cơ thể và giúp hạ thân nhiệt, các chuyên gia giải thích.
Đổ mồ hôi không chỉ xuất hiện khi vận động, tập luyện thể thao mà còn khi chúng ta ăn một số loại thực phẩm, chẳng hạn như khi ăn món cay. Các món cay nóng đánh lừa não bộ, khiến não nghĩ rằng thân nhiệt trong cơ thể đang tăng lên nên đã kích thích tăng tiết mồ hôi.
Ngoài ra, cảm giác căng thẳng, lo lắng sẽ kích thích phản ứng chiến đấu hoặc chạy trốn, từ đó kích thích tuyến mồ hôi hoạt động. Tuy nhiên, dù nguyên nhân có là gì đi nữa thì đổ mồ hôi không phải là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang đốt nhiều calo.
Đổ mồ hôi chỉ đơn giản là cách cơ thể hạ nhiệt và tự làm mát chứ không phản ánh lượng calo mà cơ thể tiêu hao. Khi tâp luyện thể thao, sở dĩ mồ hôi đổ ra nhiều là vì vận động đã khiến nhiệt độ bên trong cơ thể tăng cao. Các tuyến mồ hôi được kích hoạt để làm mát cơ thể.
Lượng calo mà cơ thể tiêu hao phụ thuộc vào loại bài tập, cường độ và thời lượng tập. Bài tập càng kích hoạt nhiều nhóm cơ thì đốt càng nhiều calo. Mồ hôi tiết ra ít hay nhiều không ảnh ưởng đến số calo tiêu thụ.
Với cùng một loại bài tập, cơ thể mỗi người có thể sẽ có những phản ứng khác nhau. Người này có thể đổ mồ hôi nhiều hơn người kia.
Khi tập luyện, để biết cơ thể có đang đốt nhiều calo hay không thì hãy chú ý đến nhịp tim. Cơ thể vận động nhiều, đốt nhiều calo thì nhịp tim sẽ tăng lên. Cách tốt nhất để biết một buổi tập đã tiêu hao bao nhiêu calo thì hãy sử dụng các ứng dụng hay dụng cụ theo dõi sức khỏe, theo Healthline.
Bình luận (0)