TNO

'Đổ mồ hôi lưỡi' với tiệc rau rừng trên núi Cấm

30/03/2015 08:58 GMT+7

(iHay) Có trên 30 loại rau tuyệt đỉnh núi Cấm (An Giang) mà nếu như nơi khác có cũng không thể ngon bằng.

(iHay) Toát mồ hôi lên xứ cao lơ lững mây ở núi Cấm (An Giang), khách phương xa lại phải 'đổ mồ hôi lưỡi' với các sạp rau rừng xanh hết cỡ.

>> Những món rau rừng 'đỉnh' nhất vùng Tây Bắc
>> Dân mạng 'phục sát đất' nữ phật tử cùng lúc đổ 10 chảo bánh xèo 

Tiệc rau rừng trên núi cấm
Rau rừng trở thành thực đơn chính trong các quán ăn trên đỉnh núi Cấm

“Bản phối” rau rừng

Núi Cấm (xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) đứng đầu trong Thất Sơn (7 núi) huyền bí. Nơi đây còn nổi tiếng là vùng đất thiêng, nơi hành hương của hàng chục vạn người muốn tìm an nhiên trong tâm hồn. Lên đây, người ta chợt muốn quay lưng với những bữa tiệc thịt thà. Nếu không sẵn sàng chay tịnh thì đã có những bữa ăn “nhẹ tênh” với nguồn cảm hứng lớn nhất là rau và rau.

Tiệc rau rừng trên núi cấm
“Bản phối” rau rừng trên núi Cấm

7 năm trước, Hai Bưởi (Lại Văn Bưởi) làm một chuyến đi ngược từ xứ biển Kiên Giang lên tận đỉnh Cấm Sơn để lập nghiệp. Làm đủ nghề, từ bỏ nước đá, bán gas, bán nước ngọt, sơn mài… nhưng cuộc sống vẫn chật vật, vất vả. “Đã lên núi rồi thì phải sống nhờ núi rừng”, anh bỏ nghề bán sơn mài để quay sang nghề bán đồ ăn.

Cũng như nhiều tiệm ăn khác trên đỉnh núi, ngẫu hứng lớn nhất và cũng là hy vọng sinh kế của anh là “bộ sưu tập” rau rừng. Theo Hai Bưởi, có trên 30 loại rau “tuyệt đỉnh núi Cấm” mà nếu như nơi khác có cũng không thể ngon bằng ở đây.

Hơn nữa, các loại rau này phân bổ theo hai mùa mưa - nắng. Nếu ăn chung với nhau, đó là bản phối rất tuyệt. “Ăn rau rừng không phải ai cũng biết ăn đâu chú”, Hai Bưởi giải thích. Anh kể, nhiều người dưới đồng bằng lên gặp rau rừng nhìn thấy ngon, nhưng khi ăn thì… nhăn mặt. Ví dụ, khi ăn lá bứa thấy chua quá, quay sang ăn lá sung lại thấy chát quá… cũng bỏ qua, rồi nói không ăn được rau rừng.

“Nếu chúng ta thử phối chúng lại với nhau: bứa ăn kẹp với lá sung có vị chua chát, cộng với lá đinh lăng rừng có vị the nồng… khi ăn, lưỡi sẽ tiết ra vị ngọt… thứ cảm giác đó rất tuyệt phải không? Còn nếu muốn ăn “độc chiếc” thì có lá sộp trắng có vị chua, chát, thơm nồng…”. Nghe Hai Bưởi nói, tôi nghĩ mình cũng dân mù tịt khi ngồi trước bữa tiệc toàn rau và rau rừng. Chủ quán đắc ý: “Tự nhiên đi, ăn rau rừng chỉ có khỏe bụng khỏe dạ thôi”.

Tiệc rau rừng trên núi cấm
Bánh xèo trên núi Cấm trở nên tuyệt ngon nhờ rau rừng

Món ăn “nên thuốc”

Ngược theo con đường rừng vắng dẫn đến Vồ Chư Thần, chúng tôi như “đứng hình” bởi cây lá trên đầu bỗng rung chuyển, tiếp theo đó là một khối to lao thẳng từ trên xuống ngay mình. Chưa kịp định thần, giọng người từ trên cao vang xuống: “Xin rau hả?”.

Trước mặt tôi là một đống lá bứa non. Chưa kịp trả lời thì người trên cao đã thoắt xuống: “Có ăn lấy mớ về ăn”. Anh thợ rừng phóng khoáng tên Trung nói anh đang bẻ rau xuống cho mẹ anh dưới chân núi. “Đến giáp mùa mưa, rau ở đây còn ngon hơn”.

Trung nói, những cây cổ thụ trong rừng sâu này vậy mà nuôi sống rất nhiều người dân bé, lớn trên núi Cấm. Chỉ cần vào rừng, leo lên mấy tàng cây là đã có trên chục kg rau rừng mang ra bán cho các hàng quán. Ở khu vực ấp Rau Tần này có nhiều người chuyên sinh sống bằng nghề bẻ rau rừng. “Dân ở đây thiếu nhiều thứ chứ cái “đường” rau là phủ phê. Mà ăn rau ở đây cũng trị nhiều thứ bệnh”, Trung nói.

Quả thật, nhiều loại rau rừng là những vị thuốc quý mà người dưới đồng bằng hay lên kiếm. Những cây như cát lòi, gừng gió, bứa, quýnh, lá sung, gối, dâu rừng, đinh lăng, kim thất… đều nên thuốc cho người ăn. Hai Bưởi kể, ngày trước đi lại khó khăn, dân sống cheo leo trên đỉnh núi thường chế biến những món rau rừng ăn lót dạ trong những ngày thiếu thốn. Giờ núi Cấm là điểm du lịch tâm linh, hàng năm có mấy chục vạn người khăn gói lên đây thì các vị rau trở thành thứ đặc sản nổi tiêng nhất của xứ cao. Người ta thích ăn rau với bánh xèo, hay cá luộc, hay đơn giản là ăn rau phối cũng thấy đủ vị ngon.


Hai Bưởi soạn rau rừng để “phối” cho bữa ăn của khách

Tôi lo ngại khi có quá nhiều người biết ăn rau rừng thì nguồn rau hoang dã này sẽ dần bị khai thác. Hai Bưởi lắc đầu: “Dân ở đây họ biết dưỡng cây để có rau quanh năm. Nếu hôm nay họ leo hái lá cây này thì mấy hôm sau họ không leo nữa, để cho cây có thể phục hồi, ra lá mới… Như vậy mới có nguồn rau rừng quanh năm".

Nếu muốn có rau rừng ngon, chỉ cần “đặt hàng” trước một ngày, dân rừng sẽ mang ra những món lá tươi rói. Họ chỉ bẻ lá vừa đủ bán, đủ ăn chứ không thừa mứa, để lá héo mất ngon mà còn “hủy của”. Vì “đối xử” như thế, nên rừng Núi Cấm luôn cho những loại rau xanh ngon, tạo nên những bản phối tuyệt vời của rừng xanh mà ít nơi nào có được.

Tiến Trình

>> Rau rừng 3 món ngon tròn vị
>> Ăn rau rừng cho an toàn!
>> Cá chua nấu đọt rau rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.