Ðầu năm 2004, TX.Vị Thanh (nay là TP.Vị Thanh) được chọn làm trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh mới Hậu Giang. Thị xã (tỉnh lỵ) nằm 2 bên bờ kênh xáng Xà No nổi tiếng này khi đó đường sá, công sở, nhà cửa còn rất khiêm tốn.
Ông Nguyễn Hữu Tình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, cho hay Vị Thanh là vùng đất khắc nghiệt được khai phá sau cùng khi kênh xáng Xà No hoàn thành vào năm 1903. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vị Thanh là tỉnh lỵ tỉnh Chương Thiện. Chiến tranh khốc liệt bao xương máu đã đổ xuống và người dân Vị Thanh vẫn kiên trung theo Đảng làm cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau ngày 30.4.1975, Vị Thanh vẫn là một địa phương nghèo vùng sâu vùng xa của tỉnh Hậu Giang, giao thông cách trở, phố xá nghèo nàn. Năm 1992, tỉnh Hậu Giang chia tách thành 2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và lúc đó Vị Thanh vẫn là một huyện khó khăn, heo hút của tỉnh Cần Thơ. Lên thị xã ngày 1.7.1999 rồi thành phố tỉnh lỵ (23.9.2010), Vị Thanh đã có những bước tiến nhanh trong phát triển đô thị.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND TP.Vị Thanh, giai đoạn 2005 - 2010 tỷ lệ hóa đô thị của Vị Thanh tăng từ 35% lên 68%. Giai đoạn 2010 - 2015 Vị Thanh đạt tỷ lệ đô thị hóa 76,6%. Giai đoạn 2015 - 2020, TP.Vị Thanh huy động vốn đầu tư toàn xã hội hơn 20.000 tỉ đồng và tỷ lệ đô thị hóa tăng bình quân 1,44%/năm. Nhiều dự án khu đô thị (KĐT) mới được triển khai, phố xá khang trang, rộng mở. Ngày 17.10.2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận TP.Vị Thanh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Tháng 12.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ban hành quyết định công nhận TP.Vị Thanh đạt tiêu chí đô thị loại 2. Đô thị phát triển đã nâng lên một bước đời sống người dân thành phố.
Trong tiến trình phát triển đô thị, lãnh đạo Hậu Giang xác định TP.Vị Thanh là đô thị hạt nhân, cực phát triển mạnh mẽ của tỉnh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Huyến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang, cho biết tại kỳ họp cuối năm 2020, HĐND tỉnh Hậu Giang đã thông qua nhiều nghị quyết thống nhất chủ trương thực hiện các dự án KĐT mới gồm: KĐT mới khu vực 1 (P.5, TP.Vị Thanh, 42,1 ha, nguồn vốn dự kiến 2.000 tỉ đồng), KĐT mới tại khu vực 4 (P.5, TP.Vị Thanh, 27,6 ha, 2.700 tỉ đồng), KĐT mới P.5 (TP.Vị Thanh) và xã Vị Trung (H.Vị Thủy) nằm cạnh QL61C, diện tích 48,4 ha, kinh phí 2.000 tỉ đồng. Những dự án hấp dẫn này với chức năng nhà ở dân cư kết hợp thương mại, dịch vụ, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho TP.Vị Thanh nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung. “Các dự án KĐT mới nhằm cụ thể hóa mục tiêu của tỉnh Hậu Giang về phát triển đô thị TP.Vị Thanh song vẫn đảm bảo hài hòa với tổng thể chung, tạo môi trường sống bền vững vì lợi ích cộng đồng. Đô thị phát triển phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước. Đô thị trên đất Vị Thanh phải mang sắc thái của Hậu Giang, đảm bảo gắn kết giữa phát triển đô thị với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đặc thù tự nhiên đất đai, sông nước, khí hậu và thói quen sinh hoạt của nhiều người dân”, ông Huyến nói.
Bình luận (0)