|
Trước tình trạng bán "lúa non” ở các dự án tại Đô thị mới (ĐTM) Điện Nam - Điện Ngọc diễn ra rầm rộ, ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cho hay đã nhiều lần cảnh báo các tổ chức và cá nhân cần tìm hiểu kỹ lưỡng tính pháp lý của các dự án, không vì lợi nhuận trước mắt mà “bỏ tiền tỉ ôm đất trên giấy” rồi phát sinh khiếu kiện, tranh chấp.
Nhiều dự án “3 không”
Giữa năm 2018, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đoàn kiểm tra để làm cơ sở tính thuế, cấp sổ đỏ cho dự án Khu đô thị Viêm Minh - Hà Dừa (nằm ở phường Điện Ngọc). Dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng như đường, điện và đã được Phú Gia Thịnh - một đơn vị chuyên phân phối bất động sản, mở bán tràn lan. Thế nhưng khi kiểm tra đoàn công tác mới tá hỏa khi biết rằng dự án này mới chỉ có vỏn vẹn “quyết định giao đất của UBND tỉnh”, chưa có giấy phép xây dựng, chưa có phương án giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư...
|
Đỉnh điểm, hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư bất động sản đã tụ tập tại trụ sở Công ty cổ phần Bách Đạt An vào đầu năm 2019 để yêu cầu đơn vị này bàn giao sổ đỏ. Sau đó, giữa năm 2019 người dân tiếp tục đến trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam gây áp lực để chính quyền can thiệp, buộc chủ đầu tư phải cam kết bàn giao sổ đỏ cho người mua. Đến nay, những yêu cầu chính đáng của người mua đất tại dự án này vẫn chưa được đơn vị phân phối lẫn chủ đầu tư dự án thực hiện.
|
Tháng 10.2018, Công ty cổ phần Địa ốc First Real đã nộp đơn đến các sở, ngành, TAND và UBND thị xã Điện Bàn “đề nghị hỗ trợ ngăn chặn hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tẩu tán tài sản” khi cho rằng chủ đầu tư không chịu bàn giao gần 400 sổ đỏ cho First Real theo hợp đồng vay vốn và đặt cọc mua quyền sử dụng đất. Rất may, sau đó chủ đầu tư là Công ty Hoàng Tiên và First Real đã thương lượng để giao sổ đỏ cho dân.
Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua chủ trương đầu tư cho một số dự án đầu tư tại ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc để làm cơ sở triển khai các thủ tục đầu tư khác theo luật định. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư, hầu hết chủ đầu tư ở các khu đô thị đã bán "lúa non” cho các nhà phân phối…
Dự án loang lổ làm khổ chính quyền
Để thực hiện dự án ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc, từ năm 2003 đến nay đã có 1.123 ha đất được giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, khu tái định cư, trường học… với tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỉ đồng.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, phần lớn diện tích đất đã giao cho các doanh nghiệp là đất nông nghiệp, đất trồng lúa nên giá đền bù rất thấp, có nơi chỉ ở mức 100.000 - 120.000 đồng/m2. Sau đó, nhà đầu tư san lấp, xây dựng hạ tầng và có thời điểm rao bán trên thị trường với giá từ 18 - 20 triệu đồng/m2. Có trường hợp, sau khi nhận tiền đền bù hàng ngàn m2 đất nông nghiệp vẫn không đủ để mua lại một lô đất ở.
|
Mất đất sản xuất, nhiều gia đình không biết bấu víu vào đâu, trong khi việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, dạy nghề không được triển khai đồng bộ. Tại hầu hết các dự án đã và đang triển khai ở ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc đều vướng giải phóng mặt bằng, do người dân không đồng tình với chính sách giá đền bù, bố trí tái định cư. Không thuyết phục được người dân di dời, nhiều chủ đầu tư nảy ra sáng kiến “đi vòng, chọn chỗ nạc làm đường, đặt cống bán đất ăn xổi”, để lại những điểm “da beo, da báo loang lổ” khiến khiếu kiện, mỹ quan đều bị tác động trầm trọng.
Quy hoạch chung ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc theo quyết định số 124/1999/QĐ-TTg ban hành ngày 18.5.1999 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, hỗ trợ cho việc phát triển thành phố Đà Nẵng, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng Đại học Đà Nẵng, Khu công nghiệp tập trung Điện Nam - Điện Ngọc và Khu du lịch nghỉ ngơi giải trí… Khu đất lựa chọn phát triển đô thị nằm trong vùng đồng bằng Đà Nẵng - Hội An, diện tích có thể khai thác khoảng 2.700 ha thuộc một phần đất đai của 3 xã Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương (hiện là các phường: Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung và Điện Dương thuộc thị xã Điện Bàn).
Tháng 9.2019, Thanh tra tỉnh Quảng Nam kết luận thanh tra một số dự án ở ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam kiểm điểm: Ban quản lý ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc, UBND thị xã Điện Bàn, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng do buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm tại ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc.
|
Bình luận (0)