Đô thị thân thiện

03/05/2021 04:39 GMT+7

Chuyện dừng dưới bóng râm chứ không sát vạch khi đèn đỏ nhất là vào mùa nắng nóng, cũng giống như mượn gầm cầu vượt, cầu bộ hành tránh mưa mà bị phạt là đúng, không có gì phải cãi.

Nhưng cũng có người nói ngược: lỗi còn ở cái cây - do trồng quá xa vạch dừng đèn hoặc tán cây không đổ bóng đúng nơi cần bóng mát!
Ngược ngạo nhưng không phải không có ý. Cách đây hơn 10 năm, Hà Nội và TP.HCM đã từng có văn bản lẫn kế hoạch khảo sát thực tế để tiếp thu hiến kế của Công ty truyền thông Tiêu Điểm về việc trồng cây xanh tạo bóng mát tại các giao lộ có đèn tín hiệu giao thông. Nếu sáng kiến từ mùa nắng nóng kinh hoàng năm 2010 đó được làm nghiêm túc, có nghiên cứu khoa học, đúc kết thành quy chuẩn, trở thành yêu cầu đối với các giao lộ và có nhiều lựa chọn chủng loại cho khoa học, phù hợp thì từng đó năm đủ thời gian để bây giờ chuyện bóng mát cho xe dừng đèn đỏ không phải là chuyện đáng nói lắm mỗi mùa nắng nóng.
Mà không chỉ có cây xanh, bóng mát dừng chờ đèn ở các giao lộ trong những khoảng thời gian nhất định còn nhờ từ những bảng hướng dẫn giao thông. Nhưng thực tế các bảng hướng dẫn hướng tuyến, làn xe dựng trên cao ở các tuyến đường lớn hiện còn rất nhỏ. Bảng nhỏ trước hết là chữ khó để đọc thấy từ xa mà sau nữa là không tạo được khoảng bóng râm tại một số thời điểm trong ngày cho người dừng chờ đèn bên dưới.
Tương tự như mái che vỉa hè. Một thời gian dài các nhà quản lý trật tự đô thị rất quyết liệt với việc dẹp bỏ bất kỳ mái che nhà nào vươn ra vỉa hè, kể cả loại mái che di động. Thậm chí mái che kiên cố cho khách bộ hành ở trung tâm TP.HCM bên ngoài những khách sạn, trung tâm thương mại cứ che lên vỉa hè là phải dỡ bỏ. Vậy khuyến khích người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng, bằng xe đạp công cộng… thì những lúc mưa sẽ trú vào đâu? Quanh những cầu vượt mà người giao thông thiếu ý thức thường dừng trú mưa liệu có những công trình nhà cửa được cố ý cải tạo thiết kế cùng lúc với quá trình làm cầu vượt để người đi đường có chỗ tấp vào trú tạm?
Kinh nghiệm quy hoạch đô thị ở Đài Loan, hầu hết các tuyến phố trung tâm, nhà nước đều cho phép chủ công trình xây dựng sát mép đường. Tầng trệt dành 4 - 6 m làm vỉa hè, hẳn nhiên người đi bộ có mái che từ khu này qua khu khác, chủ nhà cũng được lợi vì có thêm diện tích các tầng trên. Một số khu ở đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP.HCM) do Đài Loan đầu tư cũng áp dụng mô hình tiện ích cho khách bộ hành này, dù vẫn phải chừa vỉa hè và xây cách mép đường cho đúng quy định của Việt Nam.
Bớt đi một bóng cây che nắng, giảm đi một hàng hiên để trú mưa không ảnh hưởng mấy đến đô thị “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, nhưng chăm chút từng nhu cầu rất thực tế, rất con người đó còn cho thấy một đô thị thân thiện, nhân văn với cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.