Đổ tiền vào đá quý, coi chừng 'hớ'

30/05/2016 08:00 GMT+7

Nhu cầu sử dụng đá quý ngày càng gia tăng, bởi đá quý không chỉ là trang sức mà còn có giá trị tài sản, nhiều người đeo với mục đích phong thủy... Tuy nhiên, thị trường đá quý muôn hình vạn trạng nên người mua rất dễ bị 'hớ'.

Chị Thanh Khang (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) được mẹ chồng tương lai dẫn đi mua 1 chiếc vòng cẩm thạch. Sau một hồi lựa, chiếc vòng chị chọn được người bán báo giá 1,5 triệu đồng. Nghe mẹ chồng trả giá 300.000 đồng, chị Khang giật mình pha chút ngượng ngùng vì giá mẹ chị trả quá chênh với giá cửa tiệm đưa ra. Thế nhưng, sau một hồi trả giá qua lại, chiếc vòng được bán với giá 500.000 đồng. Chị Khang nói: “Tôi thật quá bất ngờ với giá mà chủ tiệm bán ra, lúc đó tôi còn định trả 1,2 triệu”.
“Thấy vậy mà không phải vậy”
Quả thật, người tiêu dùng bình thường sẽ rất khó để biết được giá trị thật của một sản phẩm về đá là bao nhiêu, bởi thị trường đá hiện quá đa dạng. Một chuyên gia về đá quý kể, sau khi thấy trên mạng xã hội đăng rao bán một chiếc “vòng cẩm thạch thiên nhiên” giá 1,6 triệu đồng, có giấy kiểm định của một doanh nghiệp, ông tò mò vì hình ảnh chiếc vòng đưa lên khá đẹp mà giá lại rẻ, nên tìm hiểu kỹ thông tin thì mới vỡ lẽ chiếc vòng chỉ là đá loại C, có nhuộm màu. “Thực chất, giá 1,6 triệu đồng/chiếc vòng là quá đắt so với chất lượng của nó. Quả đúng như dân gian nói, thấy vậy mà không phải vậy”, vị chuyên gia nói.
Giữa đá tự nhiên và qua xử lý có mức giá chênh lệch rất cao. Chẳng hạn một viên sapphire có cùng kích thước, đá qua xử lý có giá khoảng 1 triệu đồng nhưng đá tự nhiên có khi lên đến 22 triệu đồng. Nghịch lý là đá đã qua xử lý thường có màu sắc rất sinh động, trong suốt, độ phản quang cao... nên rất hấp dẫn người tiêu dùng
Cũng theo ông này, trên thị trường đá quý hiện nay, ngoài kim cương có những tiêu chuẩn về chất lượng nên người mua có thể yên tâm, còn đá màu hầu như không có một quy chuẩn nào rõ ràng. Ngay một số người kinh doanh đá cũng khó đánh giá được giá trị viên đá, đó là chưa kể nó có bị nứt hay khói bên trong hay không. “Đó là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng mua sản phẩm gắn đá, đem bán lại cho chính công ty mình đã mua thì giá thâu lại chỉ còn 70% giá mua. Chưa kể, trường hợp người tiêu dùng lỡ tháo viên đá khỏi sản phẩm, công ty có thể từ chối mua hoặc mua lại với giá rất bèo”, vị chuyên gia giải thích và cho biết thêm trong đá quý có đá tự nhiên và đá qua xử lý. Trên thị trường hiện nay hầu hết là đá qua xử lý. “Giữa đá tự nhiên và qua xử lý có mức giá chênh lệch rất cao. Chẳng hạn một viên sapphire có cùng kích thước, đá qua xử lý có giá khoảng 1 triệu đồng nhưng đá tự nhiên có khi lên đến 22 triệu đồng. Nghịch lý là đá đã qua xử lý thường có màu sắc rất sinh động, trong suốt, độ phản quang cao... nên rất hấp dẫn người tiêu dùng”, ông nói.
Không dễ phân biệt
Thường chỉ những người kinh nghiệm lâu năm mới có thể phân biệt đá thật giả, tự nhiên hay nhân tạo. Giới kinh doanh, chơi đá lan truyền nhau kinh nghiệm quan sát bằng mắt thường, những viên đá tự nhiên khi chưa thành trang sức thường có những vết nứt, rạn, tạp chất phía trong (ngoại trừ thạch anh trắng, thạch anh khói, obsidian). Nhưng cách này không phải lúc nào cũng hiệu nghiệm, bởi những người kinh doanh “gian” có thể can thiệp đưa tạp chất vào đá.
Một số cách phân biệt khác như đốt, đổ a xít, lấy thủy tinh rạch đá, kẻ vạch màu... cũng không phải lúc nào cũng thực hiện được, bởi tùy vào từng loại đá khác nhau, một số đá tự nhiên không chịu được nhiệt hoặc hóa chất, sẽ dẫn đến làm hỏng viên đá. “Khi có nhu cầu mua đá quý, cách tốt nhất là lựa chọn những đơn vị uy tín, có giấy kiểm định cung cấp đầy đủ các thông tin về chủng loại đá, kích thước, khối lượng, hình dạng... Ngoài ra, người mua cũng nên tham khảo giá sản phẩm trước khi quyết định mua, nhất là với những loại đá có giá trị cao”, chuyên gia đá quý khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.