Chính sách này kể từ lúc ban hành (tháng 4.2022) được đánh giá rất kịp thời để hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động, góp phần giúp ổn định và phát triển tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Thế nhưng đến nay cũng đã hơn một năm trôi qua vẫn chưa thể khép lại.
Như gói hỗ trợ Covid-19 trước đây, gói hỗ trợ NLĐ tiền thuê nhà khá thăng trầm bởi những vấn đề phát sinh từ khâu quy định cho tới thực tế. Khi Chính phủ mới ban hành chính sách hỗ trợ tiền nhà, TP.HCM đã gửi công văn "khẩn" nhờ tháo gỡ 5 vướng mắc liên quan các quy định về đối tượng, thời gian chi trả…
Nhìn lại quá trình thực hiện, không ít địa phương "đẻ" ra nhiều thủ tục không cần thiết như yêu cầu NLĐ có hợp đồng thuê nhà, đăng ký tạm trú, xác minh giấy phép kinh doanh hay có tình trạng đùn đẩy hồ sơ với DN có nhiều chi nhánh.
Đến nay, TP.HCM đã bố trí 1.244 tỉ đồng để hỗ trợ cho hơn 1,2 triệu NLĐ và hiện đã giải ngân gần 973 tỉ đồng, đạt 78%. Tuy nhiên TP.HCM lại đang "truy" 2.548 DN chưa gửi quyết toán kinh phí, tức chưa gửi danh sách tổng cộng 19.482 NLĐ đã nhận tiền hỗ trợ thuê nhà. Vấn đề này được nêu ra khi UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ xem xét cho TP.HCM tiếp tục được giải ngân gói hỗ trợ.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, có nhiều DN "mất tích" vì giải thể hoặc không tìm thấy tại địa chỉ đăng ký hoạt động và hiện theo quy định vẫn chưa có chế tài xử lý các DN chưa chi trả cho NLĐ và chưa quyết toán. Thế nên, các địa phương đang tìm kiếm thông tin liên hệ của nhân sự DN hoặc người đại diện theo pháp luật để trao đổi và mời lên làm việc. Với những DN còn hoạt động nhưng chưa gửi hồ sơ quyết toán thì địa phương trực tiếp lập tổ công tác đến làm việc với chủ DN. Khá gian nan!
Ở góc độ nào đó, việc "trễ chính sách" có trách nhiệm của DN. Để NLĐ được hỗ trợ kịp thời, chính sách phát huy hiệu quả, cần lắm cái "tâm", tinh thần "fair play" của mỗi DN.
Bình luận (0)