Độ tuổi nào thì trẻ em được phép sử dụng mạng xã hội?

15/10/2022 10:00 GMT+7

Đó là câu hỏi mà bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ thông tin và Truyền thông) đặt ra trong lớp tập huấn về trẻ em diễn ra tại TP.HCM vào ngày 14.10.

Chương trình tập huấn do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức với chủ đề “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” dành cho các phóng viên, biên tập viên của các báo chí.

Nhiều thông tin độc hại mà trẻ em sử dụng mạng xã hội khó lường đến hậu quả gây ra

SHUTERSTOCK

Theo bà Như Hoa, mặc dù đã quy định trẻ từ 13 tuổi mới được sử dụng mạng xã hội nhưng trong thực tế hiện nay thì trẻ em mới 7 tuổi được phụ huynh đã cho con xem TikTok, YouTube, rồi tham gia Facebook nữa thì đương nhiên không thể tránh khỏi những rủi ro con mình bị tiếp xúc với những thông tin không tốt trên mạng xã hội”.

Bà Hoa cho biết cha mẹ cố tình cho con truy cập và tự kê sai, khai khống độ tuổi khi đăng ký các tài khoản với các nền tảng xã hội. Điều này cực kỳ nguy hiểm.

Theo bà Hoa, sở dĩ trẻ em thường xuyên tiếp xúc với các thông tin độc hại trên mạng xã hội như thế là vì những người cha, người mẹ mà chúng tôi từng khảo sát cũng không biết rõ con mình ở độ tuổi nào mới được sử dụng thì đương nhiên con bạn sẽ tự do lập tài khoản, truy cập một cách thoải mái. “Và trong quá trình con bạn tự do truy cập như thế sẽ dễ tiếp xúc với những nội dung thông tin xấu và độc hại rồi”, bà Hoa nói.

Cha mẹ cần kiểm tra thường xuyên các thiết bị di động và hướng con xem những điều bổ ích, lành mạnh

ĐỘC LẬP

Để khắc phục tình trạng này, bà Hoa cho biết: “Phụ huynh cần quan tâm, kiểm soát các thiết bị di động, điện tử của con mình. Cha mẹ có thể thiết lập một số nguyên tắc, giám sát để trẻ hạn chế và tuân thủ các nguyên tắc do mình đặt ra. Hiện nay cũng có nhiều công cụ, giải pháp lọc thông tin xấu độc miễn phí mà phụ huynh có thể cài vào các thiết bị di động để có thể kiểm soát tốt, giúp con sử dụng mạng xã hội lành mạnh hơn”.

Các học viên tham gia buổi tập huấn

LÊ THANH

Theo bà Phạm Thị Thủy, phụ trách phòng phát triển và tham gia của trẻ em, Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), internet là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Với internet, trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích và mình thích. Song hành những tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Và để an toàn trên môi trường mạng, trẻ em cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết cần và đủ để không lạc lối.

Chia sẻ tại chương trình, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng: “Mục đích của khóa tập huấn nhằm cung cấp thông tin, cập nhật về hiện trạng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Để nhiệm vụ này được thực hiện hiểu quả, báo chí cần được trang bị nhiều hơn về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Chúng tôi hy vọng, với các thông tin hữu ích tại khóa tập huấn, các anh chị sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng để thực hiện sứ mệnh tuyên truyền của mình, nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”.

Theo thống kê từ Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, các cuộc gọi tư vấn, hỗ trợ liên quan đến không gian mạng tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể năm 2021 có 422 cuộc gọi, trong 7 tháng năm 2022 có 268 cuộc gọi với 3 nhóm vấn đề lớn liên quan đến tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng (31%); nhóm vấn đề về cách sử dụng internet an toàn (chiếm 31,3%); nhóm vấn đề tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm trên mạng (chiếm trên 7%).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.