Đổ xô luyện thi chứng chỉ tiếng Anh xét tuyển đại học

04/04/2022 08:15 GMT+7

Kể từ khi nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển và ưu tiên xét tuyển, lượng thí sinh đi luyện thi IELTS tại các trung tâm tăng rõ rệt.

Nhiều học sinh (HS) dành quá nhiều thời gian để luyện thi cấp tốc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Điều này có thực sự hiệu quả?

Học phí mỗi buổi học từ 450.000 - 600.000 đồng

Bà Trần An Bình, Giám đốc Trung tâm gia sư Ông Mặt Trời (P.11, Q.6, TP.HCM), cho biết trong 3 năm trở lại đây số lượng các trường ĐH xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tăng nên số HS đăng ký luyện thi IELTS tại trung tâm cũng nhiều hơn đáng kể.

Một lớp luyện thi IELTS tại TP.HCM

MINH TRÍ

“Tại thời điểm này, chúng tôi có 7 lớp luyện thi chứng chỉ IELTS thì có tới 5 lớp là HS lớp 11 và 12, có mục tiêu đạt điểm từ 5.5 trở lên để xét tuyển ĐH. Mặc dù học phí cho mỗi buổi học từ 450.000 - 600.000 đồng, gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với các môn khác nhưng các em vẫn chấp nhận đầu tư. Có em học lâu dài thì tuần chỉ 1 - 2 buổi, cấp tốc để kịp có chứng chỉ vào thời điểm nộp hồ sơ thì có khi lên 3 - 4 buổi/tuần”, bà Bình thông tin và cho rằng càng ngày tiếng Anh càng quan trọng trong học tập và làm việc nên việc xét tuyển dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ là một xu hướng trong tương lai. Chính vì thế thí sinh (TS) có IELTS và các chứng chỉ quốc tế khác sẽ là một lợi thế.

Tại Trung tâm luyện thi Kết Nối Vàng (Q.1, TP.HCM), HS THPT đến luyện IELTS để có chứng chỉ xét tuyển ĐH chiếm 40% số lượng người học ở trung tâm. Bà Đặng Hồng Cẩm Vân, Giám đốc điều hành trung tâm này, cho hay: “Những năm trước đây số lượng HS cấp 3 chỉ chiếm khoảng 20% với mục đích đi du học, nay thì tăng lên nhiều để có cơ hội vào các trường ĐH trong nước. Các em dành ra mỗi tuần từ 2 - 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng để luyện thi. Kỳ thi được tổ chức mỗi ngày nên khá thuận lợi cho các em muốn có chứng chỉ gấp, tuy nhiên để đạt điểm cao thì cần có sự đầu tư lâu dài và học vững chắc, nghiêm túc thực sự”.

Theo bà Vân, những TS có sự chuẩn bị từ sớm, chẳng hạn từ năm lớp 10, nếu có năng lực ngoại ngữ tốt thì điểm thi rất cao, từ 7 - 8.0, nhưng những TS “nước đến chân mới nhảy”, lớp 12 mới đi học và luyện thi cấp tốc thì điểm có thể chỉ từ 4.5 - 5.0, chưa đạt yêu cầu của một số trường hoặc nếu có thì khi quy đổi ra điểm xét tuyển, cơ hội đậu cũng không phải 100%.

Không phải cứ có chứng chỉ IELTS là chắc chắn đậu

Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một yếu tố để xét tuyển ở một trong các phương thức tại các trường ĐH, với số lượng chỉ tiêu hạn chế, nên nếu TS chỉ đầu tư vào việc luyện thi IELTS hay TOEFL để xét tuyển thì có thể sẽ đánh mất các cơ hội trúng tuyển khác.

Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chỉ tiêu dành cho phương thức xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc TS người nước ngoài chỉ chiếm từ 1 - 5% tổng chỉ tiêu. Tại các tổ hợp có môn tiếng Anh, TS có thể dùng chứng chỉ IELTS, TOEFL iBT, TOEIC để quy đổi điểm. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, chia sẻ: “Năm 2021 có khoảng 1.000 TS nộp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để xét tuyển. Tuy nhiên do chỉ tiêu giới hạn nên chưa chắc các em cứ nộp là sẽ trúng tuyển”.

Nên có sự chuẩn bị từ sớm

Bà Đặng Hồng Cẩm Vân, Giám đốc điều hành Trung tâm luyện thi Kết Nối Vàng, cho rằng nếu có ý định thi chứng chỉ IELTS để xét tuyển, tốt nhất là HS bắt đầu từ năm lớp 10. “Nếu luyện thi gấp gáp thì HS sẽ không đủ kiến thức và kỹ năng để đạt điểm cao. Khi điểm thấp mà luyện lại, thi lại thì rất mất thời gian. Thời điểm chuẩn bị thi tốt nghiệp, các bạn nên đầu tư thời gian và công sức hợp lý vào tất cả các môn”.

Là một giảng viên tiếng Anh, thạc sĩ Nguyễn Minh Trí (Khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khuyên: “Nếu các em muốn sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển hoặc học các chương trình đó thì nên bắt đầu từ sớm, ngay từ lớp 10 để quá trình ôn luyện được vững chắc hơn. IELTS đòi hỏi năng lực thật ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để ứng dụng ngôn ngữ trong quá trình thi cử chứ không chỉ là ghi nhớ rập khuôn. Vì vậy, có lộ trình hợp lý sẽ giúp TS giảm áp lực học tập vội vã trước ngày thi”.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cũng cho biết nếu năm 2020 chỉ có 200 TS sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển thì năm 2021 là 700 (tăng 300%), trong khi chỉ tiêu cho phương thức này chỉ chiếm 10%. Tỷ lệ chọi có ngành rất cao, từ 1/4 đến 1/6.

“Bên cạnh việc yêu cầu phải có điểm IELTS 5.0 trở lên hoặc chứng chỉ tương đương, TS còn phải có điểm trung bình học tập THPT từ 7 và xét từ cao xuống thấp nên không phải cứ có chứng chỉ là đậu. Vì thế các em chỉ nên coi đây là một trong các cơ hội xét tuyển chứ không nên chỉ tập trung vào một phương thức này mà bỏ qua phương thức khác. Đồng thời cần hiểu rằng tiếng Anh là để phục vụ việc học tập và làm việc lâu dài chứ không phải chỉ là công cụ để xét tuyển”, tiến sĩ Trọng lưu ý.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, điểm IELTS chỉ là một tiêu chí ở phương thức xét tuyển học bạ THPT và phỏng vấn áp dụng cho chương trình đào tạo quốc tế. Đối với Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS có IELTS 5.0 trở lên hoặc chứng chỉ tương đương được ưu tiên xét tuyển thẳng nhưng cũng phải đạt yêu cầu về điểm học bạ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.