Đoán đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: Ai hưởng lợi nhiều nhất?

26/06/2024 16:06 GMT+7

Xu hướng đoán đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT là 'mỏ vàng' cho những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, kích thích học sinh 'học tủ'.

Xu hướng đoán đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT bùng nổ trong những năm gần đây, với muôn vàn hình thức từ bói bài tarot, xủ quẻ, phân tích quy luật đề thi… thu hút hàng ngàn lượt xem và chia sẻ trên mạng xã hội. Theo thống kê xu hướng của TikTok, chủ đề "đoán đề" có tới 91,9 triệu bài đăng, riêng "đoán đề văn THPT" lên tới 57,8 triệu lượt xem.

Đoán đề nhằm quảng cáo nhãn hàng, khóa học online, bán tài liệu ôn thi...

Trong một tài khoản về kinh dịch trên TikTok, một người sáng tạo nội dung giới thiệu mình là “thầy” cho rằng đã xủ quẻ cho ra 3 ngữ liệu có thể được sử dụng trong đề ngữ văn thi tốt nghiệp 2024 như: Đất nước, Việt Bắc, Vợ chồng A Phủ.

Một số tài khoản trên TikTok đăng tải video dự đoán đề thi bằng những lá bài tarot. Số khác còn tỉ mỉ lập bảng thống kê các tác phẩm đã được dùng làm ngữ liệu trong những năm trước để đưa ra cái được gọi là “quy luật ra đề”. Thậm chí, có những thầy cô thật hay cá nhân tự xưng giáo viên cũng đua theo trào lưu đoán đề.

Đoán đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: Ai hưởng lợi nhiều nhất?- Ảnh 1.

Muôn kiểu đoán đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT trên TikTok

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Một số tài khoản như “Kaito Kid” được người dùng mạng xã hội tung hô là “thánh đoán đề” hay “thầy phán” sau khi đưa ra dự đoán trùng khớp với đề thi thật những năm trước. Từ đó, các “thánh đoán đề” có thể trở thành KOL (người có sức ảnh hưởng) được nhiều người tin tưởng, theo dõi và kiếm tiền từ quảng cáo, hợp đồng tài trợ của các nhãn hàng…

Lợi ích thu về không chỉ dừng lại ở đó. Nhiều "thầy phán" tận dụng xu hướng đoán đề để giới thiệu, quảng cáo các khóa học online, bán tài liệu ôn thi, thu hút học sinh tham gia với những lời hứa hẹn "bí kíp" chinh phục đề thi.

Thậm chí, dù không làm kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục cũng không phải là KOL, nhưng một số tài khoản trên mạng xã hội cũng thích đoán đề vì “đam mê” hoặc đơn giản chỉ để “đu trend”.

Đoán đề ngữ văn thi tốt nghiệp THPT: Ai hưởng lợi nhiều nhất?- Ảnh 2.

Dù Kaito Kid chỉ dự đoán đề dự trên 'phân tích của cá nhân' nhưng được tung hô là 'thánh đoán đề'

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Tránh sa đà vào trò đoán đề vô căn cứ

Những học sinh chuẩn bị kỹ lưỡng kiến thức có thể xem các clip “đoán đề” như trò giải trí, xem để thư giãn, giải tỏa tâm lý căng thẳng trước kỳ thi. Tuy nhiên, đối với thí sinh vẫn chưa đủ tự tin trước kỳ thi quan trọng, những lời dự đoán vô căn cứ dễ dàng tác động đến tâm lý, khiến các em hoang mang, lo lắng, thậm chí "học tủ" theo "lời phán".

Thay vì dành thời gian quý báu cho việc ôn tập kiến thức một cách bài bản, học sinh có nguy cơ sa đà vào trò đoán đề tràn lan trên mạng, dẫn đến “học tủ” rồi “lệch tủ” làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi cử.

Thi tốt nghiệp THPT 2024: thí sinh trổ tài đoán đề thi văn, thắp hương cầu may mắn

Vì thế, học sinh cần tỉnh táo hơn, nhận thức rõ ràng rằng không có dự báo nào chính xác tuyệt đối và việc ôn luyện toàn diện mới là chìa khóa để đạt kết quả tốt trong kỳ thi.

Trong lĩnh vực sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, những sự kiện lớn như kỳ thi tốt nghiệp THPT hay vấn đề gây tranh cãi trở thành “cơ hội vàng” hay "mỏ vàng" cho các nhà sáng tạo nội dung.

Trong kỳ thi THPT, người làm nội dung nhắm vào sự hiếu kỳ, nỗi lo lắng của thí sinh. Do đó, ngành giáo dục và cả phụ huynh cần tăng cường nỗ lực trang bị cho học sinh kỹ năng sàng lọc thông tin trên mạng xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.