Xuyên suốt nhiều năm qua, màu áo xanh trong những Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè đã mang về cho các vùng quê nghèo những con đường bê tông xe chạy bon bon, biết bao tuyến đường điện sáng trưng, bao cây cầu nối mạch giao thông thuận tiện và đặc biệt đưa công nghệ về với người dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật để những làng quê trở nên đáng sống hơn…
Những tuyến đường quê xe chạy bon bon
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có thể thấy được rằng những năm qua các Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè do T.Ư Đoàn tổ chức đã góp phần rất lớn vào việc giúp cho những vùng quê đạt được các tiêu chí về nông thôn mới và trở thành những làng quê đáng sống hơn.
Chỉ riêng đội hình thanh niên tình nguyện của TP.HCM trong suốt nhiều năm qua đã mang về cho các vùng quê hơn 30.000 công trình thanh niên; 7.720 căn nhà được xây mới, sửa chữa; 878 km đường nông thôn được bê tông hóa, nâng cấp, sửa chữa; 479 cầu nông thôn được xây dựng, sửa chữa; 271 tuyến đường nông thôn, tuyến hẻm được chiếu sáng; gần 70.000 hộ dân được chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Điện, người dân H.Càng Long (Trà Vinh), bày tỏ biết ơn về các công trình mà thanh niên tình nguyện đã để lại trên địa phương: "Ngày xưa con đường ở đây đi lại khó khăn lắm, nên khi Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh về đây làm con đường này, bà con rất mừng. Cũng nhờ các cháu về đây làm mới được chứ để bà con đóng góp tiền chắc làm không nổi quá".
Chúng tôi từng chứng kiến những nụ cười hạnh phúc, những ánh mắt đầy biết ơn của người dân ở xã Phú Hiệp, H.Tam Nông (Đồng Tháp) khi từ nay sẽ không còn lo bị ép giá nông sản vì đã có con đường mới rất bằng phẳng, xe chạy bon bon vào đến tận ruộng. Con đường ấy do đội hình sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã không ngại nắng, ngại mưa để thi công.
Ông Nguyễn Văn Đông (43 tuổi, ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp, H.Tam Nông) cho biết trước đây do đường đất nên trời mưa sình lầy, không đi được; người dân phải tự đổ đá để đi đỡ, nhưng đến mùa thu hoạch lúa, máy cắt, xe chở lúa chạy qua mấy lượt là đá lún hết xuống sình.
"Từ nay nông sản không sợ bị thương lái ép giá, vì con đường quyết định về giá cả nông sản rất nhiều, trước khi vào mua là thương lái xem con đường chuyên chở thế nào, nếu đường khó khăn thì tính thêm tiền chuyên chở, tiền nhân công rồi ép giá", ông Đông bộc bạch.
Tại ấp Tân Thuận A, xã Tân Mỹ, H.Lấp Vò (Đồng Tháp), người dân cũng hạnh phúc biết bao khi có tuyến đường điện sáng trưng, không còn lo an toàn đi lại khi về đêm.
Ông Nguyễn Văn Thum, người dân ở đây, không giấu được cảm xúc chia sẻ với chúng tôi: "Mấy cháu tình nguyện về đây làm hay quá chừng, bắt năng lượng mặt trời nên bóng đèn trước nhà tôi sáng trưng mà không phải tốn tiền điện".
Ông Thum kể, trước đây chỉ những hộ khá giả là tự mua bóng đèn câu ra, nhưng đến 20 hay 21 giờ là tắt vì sợ tốn điện. Còn rất nhiều hộ gia đình như nhà ông vì không có kinh phí để trả tiền điện nên chấp nhận tối.
"Tụi con nít tối đến cho đi cũng không dám đi, tối hù mà ai dám, đi vệ sinh cũng không dám nữa là. Giờ thì sáng trưng rồi, mừng lắm", ông Thum nói.
Còn ông Mai Văn Toàn (ngụ xã Tân Mỹ) cũng không tả nổi niềm vui sướng khi đội hình sinh viên tình nguyện về xây cầu bê tông bắc ngang qua Rạch Chùa, điều mà ông và người dân nơi đây chưa bao giờ dám nghĩ đến.
"Chúng tôi làm gì có khả năng mà xây cầu bê tông, trước đây là cầu khỉ, sau này cái bến phà ngoài kia người ta dỡ bỏ, tụi tôi ra xin ván về bắc cầu qua vậy đó", ông Toàn kể.
Cũng vì tự bắc ván thành cầu nên chỉ phục vụ lưu thông bình thường, người dân không dám chở đồ nặng vì sợ bị sập. "Trước đây chỉ chạy được xe không, nhưng làm được cây cầu này là chạy phà phà luôn, xe du lịch còn chạy vào đây được nữa", ông Toàn hạnh phúc.
Những tiến bộ khoa học công nghệ được chuyển giao
Ông Phạm Thành Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tân Kiều (H.Tháp Mười, Đồng Tháp), từng vui mừng chia sẻ với chúng tôi vì những thanh niên tình nguyện đã về giúp lập website, xây dựng Cổng thông tin trực tuyến cho UBND xã vào năm 2022.
Ông Nghĩa cho biết mặc dù rất muốn thành lập trang web nhưng lâu nay gặp phải khó khăn về nguồn lực chuyên môn, không được hiểu sâu về cách tạo website nên chưa thực hiện được.
"Trước đây, muốn truyền đạt các hoạt động thì chúng tôi thông tin trên trạm truyền thanh xã hay bảng thông báo tại trụ sở UBND. Nhưng từ nay, khi đã có trang web này, chúng tôi sẽ đa dạng kênh tuyên truyền, việc thông tin đến người dân cũng sẽ nhanh hơn, nhất là giúp bà con tìm hiểu thông tin về cải cách hành chính, cũng như biết cách nộp hồ sơ trực tuyến thuận tiện hơn. Các hoạt động thông tin của xã sẽ hiện đại và nhanh chóng hơn", ông Nghĩa chia sẻ đầy biết ơn.
Hoạt động này của những đội hình thanh niên tình nguyện cũng góp phần giúp cho các xã đạt được tiêu chí "xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Không chỉ vậy, các đội hình thanh niên tình nguyện còn chuyển giao khoa học kỹ thuật về tận vườn cho từng hộ dân, như Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) đã trao tặng và chuyển giao kỹ thuật nuôi giống vịt biển lai Hà Lan cho người dân xã Mỹ Hòa, H.Tháp Mười, Đồng Tháp.
Nhận được giống và kỹ thuật nuôi vịt biển lai Hà Lan này, người dân vui mừng khôn xiết. Lê Hữu Trung (25 tuổi, ngụ tại ấp 1) đã từng lăn tăn mỗi lần bạn bè rủ lên thành phố lập nghiệp, nhưng từ nay Trung tự tin hơn khi bám quê làm giàu và giúp quê nhà phát triển, vì anh đặt nhiều kỳ vọng vào giống vịt biển lai Hà Lan này. (còn tiếp)
Bình luận (0)