Đoàn phải bồi dưỡng thanh niên thành những công dân số

06/05/2022 06:11 GMT+7

Góp ý cho dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, đại biểu cho rằng tổ chức Đoàn cần bồi dưỡng thanh niên thành công dân số để xây dựng đất nước, bởi năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số.

Ngày 5.5, T.Ư Đoàn phối hợp với Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cựu cán bộ Đoàn vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Hội nghị có sự tham dự và chủ trì của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Hà Quang Dự, Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Kiều Anh

Vào Đoàn để được gì ?

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra những vấn đề mà tổ chức Đoàn cần có giải pháp trong thời gian tới. Nói về vai trò đồng hành với thanh niên, ông Trần Văn Miều, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành, Chánh văn phòng T.Ư Đoàn, cho rằng Đoàn phải tuyên ngôn như thế nào để thanh niên theo mình. “Thanh niên đặt câu hỏi: vào Đoàn để được gì? Trước đây thế hệ chúng tôi vào Đoàn để “Tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên”, nhưng giờ bối cảnh đã khác, Đoàn cần nhấn mạnh tính xã hội của tổ chức để thu hút thanh niên tham gia”, ông Miều gợi ý.

Theo ông Miều, Đoàn cần quan tâm đầy đủ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của thanh thiếu nhi. Trong đó, ông Miều cho rằng tổ chức Đoàn phải bồi dưỡng tuổi trẻ Việt Nam trở thành công dân số để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. “Năm 2030 đất nước sẽ trở thành quốc gia số, cần nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu này. Tổ chức Đoàn, Hội nhất định phải bồi dưỡng được những công dân số”, ông Miều nói.

Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Trưởng ban Công nghiệp T.Ư Đoàn, cho rằng Đoàn cần phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh thiếu nhi. “Trong bối cảnh mới, thời đại mới, nhiều vấn đề bạo hành, tự tử, ma túy… ảnh hưởng tới cuộc sống của thanh niên như thế nào. Tổ chức Đoàn phải bảo vệ giới trẻ, chứ không chỉ xung kích sáng tạo. Tổ chức Đoàn cần nâng cao trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội. Việc xung kích, sáng tạo, khơi dậy hoài bão là tất nhiên rồi, nhưng những chính sách với thanh niên và luật Thanh niên là vấn đề rất mới cần quan tâm để thực hiện”, ông Thường nhấn mạnh.

Ông Thiều Quang Thắng, nguyên Trưởng ban Mặt trận T.Ư Đoàn, cũng cho rằng tổ chức Đoàn cần đồng hành với thanh niên, hiểu họ, giúp họ định hướng, đặc biệt là thanh niên tôn giáo. “Tổ chức Đoàn cần mở rộng đoàn kết tập hợp thanh niên, để kết nối tất cả các lực lượng thanh niên: tôn giáo, dân tộc, thanh niên ngoài nước, đặc biệt thanh niên di cư trong dịch Covid-19 để đồng hành với họ”, ông Thắng nói.

Cần giáo dục văn hóa cho giới trẻ

Tại hội nghị, nhiều đại biểu quan tâm đến vai trò giáo dục của tổ chức Đoàn. Theo ông Thiều Quang Thắng, công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên của tổ chức Đoàn rất quan trọng. “Tổ chức Đoàn cần giáo dục văn hóa sống cho giới trẻ như: văn hóa ăn uống, văn hóa nơi công cộng… Vì hiện có tình trạng một bộ phận giới trẻ thích xem những clip về ăn uống rất thô bạo”, ông Thắng cho hay.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại về những hiện tượng thanh niên vi phạm pháp luật trong thời gian gần đây và cho rằng tổ chức Đoàn cần quan tâm giáo dục thế hệ trẻ sống thượng tôn pháp luật. Đặc biệt, cần giáo dục kỹ năng cho thanh thiếu nhi.

Bà Nguyễn Thị Bích Lại, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng xã hội, Học viện Thanh thiếu niên, cho rằng hiện nay đời sống xã hội phức tạp, tổ chức Đoàn cần giáo dục kỹ năng sống cho gia đình trẻ vì họ quyết định nền móng của xã hội và tương lai. “Đời sống của các gia đình trẻ vô cùng phức tạp sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động cho thanh thiếu niên, trong đó chú trọng định hướng kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình thời điểm tiền hôn nhân và hôn nhân, vì đây là nền móng của hạnh phúc gia đình và xã hội”, bà Lại đề xuất.

Kết luận hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết các đại biểu đã rất tâm huyết nêu ra những câu chuyện lớn và những vấn đề cấp bách đang đặt ra để tổ chức Đoàn có giải pháp giải quyết trong thời gian tới. Các ý kiến sẽ được tập hợp đầy đủ để tiếp thu cầu thị nhất. “Câu chuyện về văn hóa của giới trẻ đã và đang được tổ chức Đoàn quan tâm như: văn hóa gia đình trẻ, văn hóa đọc, văn hóa trong chuyển đổi số… Tổ chức Đoàn sẽ quan tâm và làm tốt hơn nữa câu chuyện này”, anh Lương nói.

Đồng thời anh Lương cũng cho biết, thời gian tới, tổ chức Đoàn cần làm tốt hơn vai trò giám sát phản biện xã hội để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh thiếu nhi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.