Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sự cố xảy ra khoảng 23 giờ 55 ngày 10.7, khi tàu chạy đến Km192+800 khu gian Mậu A - Mậu Đông, thuộc địa phận Yên Bái.
Phụ lái tàu là ông Nguyễn Văn Quân (53 tuổi), bị một nam thiếu niên ném đá vỡ đầu, chảy nhiều máu. Tuy nhiên, do tàu đang trong hành trình nên phải tiếp tục hoạt động.
Sau đó khoảng 10 phút, tàu chạy về đến ga Mậu Đông (H.Văn Yên, Yên Bái), ông Quân được nhân viên nhà ga đưa vào Bệnh viện Mậu A cấp cứu. Hiện, ông Quân được theo dõi, chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.
Đến 2 giờ sáng 11.7, chi nhánh đầu máy Hà Nội đã đưa ban lái máy và người nhà phụ lái tàu đi xe ô tô đến ga Mậu Đông, để bổ sung nhân lực, đoàn tàu mới hoạt động trở lại.
Sáng nay 12.7, Công an H.Văn Yên (Yên Bái) đã bắt được đối tượng nghi ném đá lên tàu, là một thiếu niên 15 - 16 tuổi.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe. Các vụ việc xảy ra nhiều ở các địa phương như: Khánh Hòa 18 vụ; Đồng Nai 15 vụ; Bình Định 8 vụ; Quảng Nam 8 vụ; Bình Thuận và Thừa Thiên - Huế: mỗi nơi 5 vụ; Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận mỗi nơi 4 vụ.
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng. Người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Nếu làm người khác bị thương, người vi phạm phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm, ngoài hình thức phạt nêu trên còn bị trục xuất.
Đặc biệt, hành vi cố ý ném đá vào tàu hỏa làm người khác bị thương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thương tích với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên. Hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Bình luận (0)