Đoàn viên - những câu chuyện đẹp: Đưa văn hóa dân gian vào hoạt động Đoàn

05/12/2022 08:00 GMT+7

Phí Thành Phát (25 tuổi) là Phó bí thư Đoàn phường năng nổ. Phát thích nghiên cứu văn hóa truyền thống để mong sao giữ gìn được những giá trị cho thế hệ mai sau.

Lớn lên từ các hoạt động cộng đồng

Phí Thành Phát hiện là Phó bí thư Đoàn P.Gia Bình, TX.Trảng Bàng (Tây Ninh), nhưng thời gian năng nổ nhất về công tác Đoàn của anh phải kể đến từ những năm đầu học ở Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM. Học ngành công tác xã hội, nên Phát cũng gặp nhiều thuận lợi và thành công trong công tác Đoàn.

Phí Thành Phát (bìa trái) là cán bộ Đoàn nhiệt huyết

NVCC

Phát rất thích tham gia những hoạt động của Đoàn, đặc biệt là công tác thiện nguyện có ích cho xã hội. Khi là đoàn viên, Phát luôn có mặt mỗi khi Đoàn trường phát động phong trào. Từ thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh, Hành trình đỏ, về nguồn hay những việc giúp đỡ người khó khăn ăn tết.

“Từ khi được tham gia các hoạt động của Đoàn, tôi thấy mình năng nổ hơn, được chia sẻ công sức với cộng đồng hơn và không bao giờ vắng mặt trong bất kỳ hoạt động nào”, Phát chia sẻ.

Thời gian sau, Phát được bầu làm Bí thư Đoàn Khoa Công tác xã hội. Lần này, anh phát huy hết khả năng của mình bằng những kinh nghiệm, trải nghiệm khi còn là đoàn viên. Phát mở rộng mô hình, tổ chức các hoạt động chuyên ngành, các buổi nói chuyện, hội thảo và thành lập trung tâm hướng dẫn các sinh viên năm cuối đi thực tập. Ngoài ra, Phát còn làm chủ nhiệm câu lạc bộ đọc sách của trường. Nhiệm vụ của anh là tìm các đầu sách, chia sẻ kỹ năng sống, kêu gọi những sinh viên khác tham gia vào việc đọc sách nhiều hơn.

Phát cho biết thêm: “Đến ngày ra trường, tôi nhận thấy những hoạt động đã tham gia, đã đóng góp làm cho mình trưởng thành hơn. Nếu không có Đoàn, chắc mình cũng không có khả năng để tiếp cận và giúp ích cho đời được nhiều như vậy”.

23 tuổi đã ra sách về văn hóa dân gian

Với gương mặt “non choẹt”, tuổi trẻ năng động, không ai nghĩ chàng thanh niên này lại chuyên nghiên cứu văn hóa, lịch sử dân gian Nam bộ. Từ học ngành công tác xã hội, Phát bỗng rẽ ngang và âm thầm theo đuổi con đường nghiên cứu văn hóa đến tận hôm nay. Những đóng góp từ nghiên cứu của Phát tuy nhỏ nhưng đó là một hành trình dài mà hiếm có người trẻ nào có thể làm được.

“Lúc còn nhỏ tôi hay thích sưu tầm những câu chuyện xưa, đi theo các cụ đến đình chùa, miếu để ghi chép tư liệu. Lớn hơn tôi lại hay tìm đến ngôi chùa cổ ở quê nhà để tìm hiểu, được các thầy dẫn dắt nên bắt đầu từ đó”, Phát kể lại.

Ngày ra trường, Phát về quê hương Trảng Bàng (Tây Ninh), và anh làm Phó bí thư Đoàn P.Gia Bình. Phát cũng tự mình làm công tác nghiên cứu văn hóa nơi mình sinh sống. Nghiên cứu chính của Phát là về di tích, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, làng nghề, nghệ nhân và bản sắc văn hóa. 23 tuổi nhưng Phát đã có những bài viết trên báo, tạp chí chuyên ngành văn hóa.

“Bài nghiên cứu đầu tiên của tôi về bà Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh và được đăng trên một tạp chí. Bên cạnh đó, tôi còn có một đề tài nghiên cứu ở chùa Phước Lưu, một ngôi chùa cổ còn giữ lại nét cổ xưa ở Tây Ninh. Tại đây, tôi đã viết và để lại quyển sách về văn hóa, lịch sử của chùa để các sư trẻ có thể thuyết trình cho bà con thập phương”, Phát cho hay.

Chưa dừng lại, Phát là đồng tác giả sách Đất và người Tây Ninh được xuất bản năm 2020. Dần dần về sau, Phát cũng đồng tham gia nhiều hơn về những sách Phật giáo, đất và người Nam bộ hay nhân học và cuộc sống… Thông thường, sau khi viết xong sách, Phát tặng cho nơi mình nghiên cứu để gìn giữ lại giá trị nơi đó.

Chính nhờ kiến thức rộng về văn hóa, Phát đã áp dụng nó vào một số hoạt động của Đoàn, tạo sự mới mẻ cho sinh hoạt địa phương.

Phát ứng dụng kiến thức nghiên cứu vào các hoạt động: Trung thu, tết… tái hiện giá trị lịch sử để người trẻ biết, hiểu được văn hóa dân gian; cũng như tham gia cuộc thi văn hóa dân gian miền Đông Nam bộ. Đặc biệt hơn, anh còn giúp những nghệ nhân trẻ có cơ hội được thể hiện khi theo nghề này. Từ các hoạt động nói trên, Phát đã tạo tiếng vang và được nhiều người quan tâm.

“Khi người trẻ tiếp nhận văn hóa dân gian, tôi cảm thấy mình đã đóng góp chút gì đó nhỏ nhoi cho cộng đồng. Tôi cố gắng lưu trữ nó để thế hệ trẻ sau này không quên được những gì thuộc về truyền thống của dân tộc mình”, anh chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.