(TNO) Trong tổng số các doanh nghiệp (DN) đã giải thể, các DN hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đăng ký giải thể nhiều nhất với tỷ lệ 26,1%.
>> Lay lắt chờ hồi sinh
>> Doanh nghiệp bán tài sản trả nợ
>> Phá sản vì sống nhờ ngân hàng
>> Khó hạ lãi suất
>> Lãi suất Việt Nam “khủng” nhất thế giới
>> Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
>> Xử lý nợ doanh nghiệp trước khi phá sản
Thông tin này vừa được Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 20.4.
Theo Bộ trưởng, tính đến cuối năm 2011, tổng số DN giải thể, ngừng hoạt động là 53.792, tăng 24,7% so với năm 2010. Chính phủ nhận định “tình trạng DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động đã tăng mạnh so với các năm trước đây”. Tình trạng này được coi là hệ quả của việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ để kiểm soát lạm phát. Và mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của DN.
Báo cáo về tình hình phát triển DN trong quý 1.2012, Bộ trưởng Vinh cho biết 3 tháng đầu năm cả nước có thêm 17.800 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 100.300 tỉ đồng, giảm 6% về số lượng DN và giảm 10% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, đã có trên 2.400 DN đã làm thủ tục giải thể và khoảng 11.600 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. “Như vậy, số DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước”, Bộ trưởng so sánh.
Trong tổng số DN đã giải thể, các DN hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đăng ký giải thể nhiều nhất với tỷ lệ 26,1%; tiếp đến là ngành công nghiệp, khai khoáng với 14,7%, ngànH xây dựng và bất động sản là 10,7% và ngành vận tải - kho bãi 9,9%...
Bên cạnh việc khẳng định quyết tâm của Chính phủ kiềm chế lạm phát trong năm 2012 ở mức 8 - 9%, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là các loại lãi suất và lượng tiền cung ứng để góp phần kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm khả năng thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất và tỷ lệ nợ xấu.
Ngoài tín hiệu vui này với DN, ông Vinh cũng cho hay Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tất cả các cấp, ngành phải nắm sát tình hình, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là về vốn, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Tiếp tục lộ trình giảm lãi suất, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng nhằm giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho DN…
Bảo Cầm
Bình luận (0)