Doanh nghiệp băn khoăn thẩm quyền cấp giấy phép lao động của Bộ LĐ-TB-XH

08/03/2024 06:46 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp băn khoăn thẩm quyền cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài của Bộ LĐ-TB-XH.

Tạo điều kiện cho người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, làm việc

Ngày 8.3, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, hiện thành phố có gần 30.000 người nước ngoài được cấp giấy phép lao động. Thời gian qua, các quy định pháp luật liên quan đến người lao động nước ngoài có nhiều thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, làm việc.

Điển hình là nới lỏng chính sách thị thực; không giới hạn tỷ lệ lao động nước ngoài so với lao động Việt Nam đang làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp; không yêu cầu người lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn giống với nội dung công việc sẽ làm việc tại Việt Nam mà chỉ cần kinh nghiệm làm việc phù hợp...

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về việc thực hiện hồ sơ liên quan giấy phép cho lao động người nước ngoài theo quy định mới, cụ thể là Nghị định 70 năm 2023 (sửa đổi Nghị định 152 năm 2020) của Chính phủ. Trước đó, ngày 6.3, tại hội nghị đối thoại về tuyển dụng, sử dụng lao động người nước ngoài tại Việt Nam, nhiều đơn vị đã nêu ý kiến về vấn đề này.

Doanh nghiệp băn khoăn thẩm quyền cấp giấy phép lao động của Bộ LĐ-TB-XH- Ảnh 1.

Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị chiều 6.3

TRỌNG NGHĨA

Đơn cử, đại diện Chi nhánh Anderson Mori & Tomotsune (Q.1, TP.HCM) hỏi: Đơn vị là chi nhánh công ty luật nước ngoài, giấy phép thành lập do Bộ Tư pháp cấp và giấy phép hoạt động do Sở Tư pháp TP.HCM cấp. Theo quy định mới thì các thủ tục nước ngoài của đơn vị do Bộ LĐ-TB-XH hay Sở LĐ-TB-XH phụ trách?

Nhiều vướng mắc về cấp giấy phép cho lao động người nước ngoài

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết theo quy định tại Nghị định 70, thẩm quyền của Bộ LĐ-TB-XH gồm: chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài; cấp, cấp lại, gia hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc cho một người sử dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc làm việc ở các đơn vị do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cấp phép.

Như câu hỏi của doanh nghiệp nói trên, các công ty luật, chi nhánh công ty luật nước ngoài giấy phép do Bộ Tư pháp cấp nên không thuộc thẩm quyền của Sở LĐ-TB-XH.

Theo quy định, Sở LĐ-TB-XH có thẩm quyền liên quan giấy phép lao động đối với lao động người nước ngoài làm việc cho đơn vị do UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện thành lập hoặc làm việc cho người sử dụng lao động tại nhiều địa điểm trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Doanh nghiệp băn khoăn thẩm quyền cấp giấy phép lao động của Bộ LĐ-TB-XH- Ảnh 2.

Bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trả lời tại hội nghị

TRỌNG NGHĨA

Thực tế, thời gian qua, PV Thanh Niên cũng nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp, nhất là những đơn vị có giấy phép thành lập của các cơ quan Trung ương về ngành nghề hoạt động có điều kiện như ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, luật sư…

Các doanh nghiệp băn khoăn vì trước đây các đơn vị sẽ làm thủ tục liên quan giấy phép lao động cho người nước ngoài ở TP.HCM và nếu gặp khó khăn thì có thể liên hệ ngay để được hướng dẫn. Nhưng nay, nếu thực hiện theo quy định mới về Bộ LĐ-TB-XH thì các đơn vị lo ngại phải bay ra TP.Hà Nội làm thủ tục.

Trong khi đó, nếu hồ sơ làm qua bưu điện thì mất thời gian, lao động là người nước ngoài (như phi công là người nước ngoài của các hãng hàng không - PV) di chuyển thường xuyên nên liên hệ cũng khó khăn.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng cho hay ngoài vướng mắc nêu trên, còn một số vấn đề phát sinh bất cập như: yêu cầu nhiều loại giấy tờ hơn khi muốn chứng minh vị trí công việc là nhà quản lý, giám đốc điều hành hay bắt buộc thông báo tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc ở một số chức danh công việc là người đại diện theo pháp luật, thành viên góp vốn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.