Doanh nghiệp báo đơn giá xây dựng 7 triệu/m2, sao giá bán cao đến mấy chục triệu?

28/10/2024 22:02 GMT+7

Chiều 28.10, thảo luận tại hội trường về những bất cập của thị trường bất động sản, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đối với lĩnh vực nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, số lượng căn hộ nhà ở xã hội cung cấp cho thị trường đang thiếu hụt xa so với nhu cầu; giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng.

Cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp, kéo dài, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai. Chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn gặp khó khăn…

Doanh nghiệp báo đơn giá xây dựng 7 triệu/m2, sao giá bán cao đến mấy chục triệu?- Ảnh 1.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, đoàn Cà Mau

ẢNH: GIA HÂN


Đơn giá xây dựng thấp, vì sao giá bán vẫn cao?

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho biết đã tham vấn một số công ty thì được thông tin rằng, nếu có sẵn đất do Nhà nước cấp, hoặc không phải nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất, thì với sản phẩm nhà cho người thu nhập thấp, đơn giá xây dựng tối đa chỉ 7 triệu/m2.

Ông Minh kiến nghị xây loại hình nhà ở xã hội với diện tích 25 - 30 m2, giống như kinh nghiệm của Singapore từng áp dụng. Mục tiêu là đáp ứng cho người có thu nhập thấp, "người có tiền muốn tham cũng không tham được".

Và với đơn giá xây dựng 7 triệu đồng/m2 như đã nêu ở trên, ông Minh tính toán giá bán ra thị trường sẽ xung quanh khoảng 10 triệu đồng/m2, tức một căn nhà trị giá khoảng 250 - 300 triệu đồng, đảm bảo công nhân có thể tiếp cận được.

Lý thuyết là thế, nhưng trên thực tế vì sao giá nhà cho người thu nhập thấp lại đang cao đến mấy chục triệu/m2 như hiện nay? Ông Minh đặt câu hỏi và cho rằng vấn đề nằm ở khâu thủ tục hành chính, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm nói, thể chế chính là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

Vị đại biểu dẫn kinh nghiệm "trước đây làm đầu tư", thấy rằng để xong thủ tục đầu tư một dự án thì cần tới khoảng 40 văn bản. Vì thế, ông nhận định điểm mấu chốt là làm sao giảm được các thủ tục hành chính.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu giải pháp điều tiết thị trường bất động sản

Ông Minh gợi ý giải pháp cho phép người dân có đất được xây dựng nhà ở xã hội để bán, Nhà nước sẽ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để người dân tuân thủ, kèm theo việc đơn giản hóa thủ tục trong một giai đoạn nhất định.

"Ví dụ chúng ta ban hành chính sách từ nay đến năm 2030, giảm tối đa tất tần tật thủ tục hành chính, chỉ cần trong quy hoạch là người dân có thể xây được thì nguồn cung của loại nhà này mới tăng lên nhiều, người thu nhập thấp mới mua được. Nếu như chúng ta làm tuần tự thì rất lâu và mất nhiều chi phí", ông Minh nói.

Doanh nghiệp báo đơn giá xây dựng 7 triệu/m2, sao giá bán cao đến mấy chục triệu?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, đoàn Bình Dương

ẢNH: GIA HÂN

Cơ chế xử lý nghiêm minh nhưng cũng cần nhân văn

Cùng cho ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề cập đến những dự án bất động sản đang còn vướng mắc, đòi hỏi đặt ra là phải có giải pháp tháo gỡ. "Chúng ta không nên hợp thức hóa những các sai sót trước đây, nhưng cũng không hình sự hóa vấn đề", vị đại biểu nêu quan điểm.

Dẫn chứng 8 dự án bất động sản mới đây bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị điều tra (tại Bình Dương, Hà Nội và TP.HCM), ông Huân cho hay thông tin này gây băn khoăn cho không ít cho cử tri.

Vị đại biểu đoàn Bình Dương lý giải, tại những dự án có bất cập, người dân đi khiếu kiện là bởi muốn đòi quyền lợi về nhà ở, khi đã bỏ tiền đầu tư mà nhiều năm chưa nhận được.

"Người ta không muốn đưa vụ việc lên rồi sau đó chủ đầu tư có khi bị khởi tố hoặc có khi lại liên lụy đến một số lãnh đạo ở địa phương. Có những người đã cống hiến chỉ còn 1 - 2 tháng nữa về hưu, chưa kịp ăn mừng thì lại dính vào lao lý vì đã ký cách đây hơn 10 năm", ông Huân nói.

Cho rằng thời điểm này nhìn lại 10 năm trước thì rất dễ, nhưng vào thời điểm đó sẽ là rất khó, ông Huân kiến nghị có cơ chế để một mặt thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm minh những hành động sai trái, nhưng mặt khác vẫn thể hiện được tinh thần nhân văn của Nhà nước.

Cơ chế mà ông Huân đề cập là cần có sự phân loại, dự án nào thực sự cố tình sai sót, cố tình gây lãng phí thì xử lý; dự án nào bất cập, liên quan đến nhiều bộ, ngành, bị chậm… mà lại đưa ra xét xử mất vài năm nữa thì người dân vẫn không có đất, "mong Quốc hội xem xét".

Về nhà ở xã hội, ông Huân kiến nghị thay vì dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại như hiện nay thì có thể nghiên cứu nộp bằng tiền cho Nhà nước. Nhà nước sẽ dùng tiền này để lập thành quỹ hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

"Chúng ta xây nhà tái định cư, nhà ở xã hội trong khu thương mại mà xây với chất lượng thấp thì nó rất xấu, còn nếu xây theo tiêu chuẩn như khu nhà ở thương mại lại đắt tiền", ông Huân phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.