Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt kêu cứu

02/04/2022 07:27 GMT+7

57 doanh nghiệp , với 64 dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM thông qua Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ( HoREA ) cầu cứu lãnh đạo TP và các sở ngành tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục triển khai dự án và cấp sổ hồng cho người mua nhà.

16 năm chưa xong 1 dự án do vướng 1 hộ dân

Trong đó hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều cho biết việc UBND TP.HCM cùng các sở ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Sở KH-ĐT quá chậm chạp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà, thủ tục cấp phép xây dựng, cấp chủ trương đầu tư… đã làm cho các dự án đứng hình hàng chục năm.

Thủ tục hành chính chậm chạp, nhiêu khê đã khiến nhiều dự án không thể triển khai, đành để đất bỏ hoang

ĐÌNH SƠN

Điển hình như dự án khu nhà ở Him Lam (TP.Thủ Đức) do Công ty Him Lam là chủ đầu tư, có diện tích 2,16 ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2010. Đây là dự án thành phần thuộc dự án khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc do Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án và các chủ đầu tư dự án thành phần có trách nhiệm đóng góp kinh phí theo thỏa thuận. Nhưng do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng; dự án bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra nên vẫn chưa được giao đất để Công ty Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ hồng cho khách hàng. Chính vì vậy, Công ty Him Lam đề nghị UBND TP.HCM xem xét giao đất dự án khu nhà ở Him Lam để công ty được thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án thành phần của công ty để đủ điều kiện làm thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng.

Một trường hợp khác là Công ty S.S.G 2 tự bỏ vốn đầu tư xây dựng đường đi bộ trên cao kết nối ga metro Thảo Điền (ga số 6) thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên với dự án khu chung cư Thảo Điền Pearl (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) để phát huy hiệu quả việc khai thác khu vực lân cận nhà ga metro (bán kính 500 m là cự ly vàng) và tăng thêm tiện ích phục vụ người dân và khách vãng lai. Thế nhưng đã hơn 8 năm qua, Công ty S.S.G 2 không thể tự thương lượng được với 3 hộ dân có khoảng 230 m2 đất trong lộ giới xây cầu dẫn đi bộ trên cao để kết nối ga metro Thảo Điền với dự án chung cư Thảo Điền Pearl và khu vực lân cận. UBND TP.HCM đã có văn bản số 60/TB-VP ngày 12.2.2019 chỉ đạo giao UBND Q.2 cũ rà soát pháp lý quy hoạch của cầu bộ hành kết nối dự án Thảo Điền Pearl với ga Thảo Điền (ga số 6) và khẩn trương xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành để di dời các hộ dân, tạo điều kiện cho DN thực hiện dự án như cam kết, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được.

Những bức xúc trên còn chưa đáng nói so với việc Công ty CP Địa ốc Phú Long đang vướng tại dự án Dragon City (H.Nhà Bè). Theo đó, từ năm 2004 công ty này trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49 ha để thực hiện dự án Dragon City. Công ty Địa ốc Phú Long đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được UBND TP cấp sổ hồng để triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời, dẫn đến hơn 16 năm nay công ty không thể triển khai dự án. Đã nhiều năm qua, Công ty Địa ốc Phú Long đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành và UBND H.Nhà Bè khẩn trương thực hiện dứt điểm việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng cho hai dự án nói trên để công ty được giao đất đầy đủ trên thực địa và triển khai thực hiện dự án trên nhưng vẫn chưa xong.

Khẩn trương tháo gỡ cho doanh nghiệp

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, các DN bất động sản rất hoan nghênh Thường trực UBND TP.HCM từ năm 2021 đến nay đã họp tổ đầu tư hằng tuần cùng với lãnh đạo các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức để xem xét, giải quyết các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản của các DN và đã tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án nhà ở thương mại. Điển hình như dự án khu nhà ở cao tầng P.Phú Mỹ (Q.7) của Công ty Hưng Lộc Phát, dự án khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (Q.7) của Công ty Khải Thịnh, hay dự án khu liên hợp cao ốc Trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ (P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức) của Công ty Sơn Kim Land... Đồng thời, trong năm 2021 TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư cho 20 dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác...

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, cho biết TP hiện có hơn 63.000 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Trong đó, có 37.421 căn hộ, nhà đất thuộc những dự án đã có văn bản thẩm định cấp sổ hồng (29.423 căn chưa nộp hồ sơ; 7.998 căn đã nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai, nhưng người mua đang thực hiện thuế hoặc hồ sơ đang rà soát). Còn khoảng 25.579 căn nhà ở tại những dự án mà người mua nhà đã nhận nhà đủ điều kiện cấp sổ hồng, nhưng chưa có văn bản thẩm định cấp sổ hồng theo quy định.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trước hết là bất cập của một số quy định pháp luật nên hiện vẫn còn nhiều dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở chưa được công nhận chủ đầu tư. Bên cạnh đó, có một số dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát lại về pháp lý, hoặc phải kiểm tra, thanh tra, thậm chí thuộc diện bị điều tra đã phải dừng triển khai thực hiện hoặc phải dừng các thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục cấp sổ hồng cho chủ đầu tư, người mua nhà trong dự án…

HoREA đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện, TP.Thủ Đức khẩn trương xem xét tháo gỡ các vướng mắc để đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho thuê. TP.HCM có nhiều DN tự thương lượng giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch và tự bỏ vốn (kể cả vay với lãi suất thương mại) để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, như Công ty Lê Thành, Công ty Nam Long, Công ty Đầu tư Thủ Thiêm, Công ty Thiên Phát, Công ty Phú Cường, Công ty Vạn Thái, Saigonres... Đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại không thuộc diện bị rà soát pháp lý, không bị kiểm tra, thanh tra, điều tra cũng cần sớm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục mà các DN đã kiến nghị. UBND TP cũng cần phối hợp hoặc đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sớm có kết luận đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại thuộc diện phải rà soát về pháp lý hoặc phải kiểm tra, thanh tra, điều tra theo hướng rà soát, chấn chỉnh, bổ sung các thủ tục đầu tư xây dựng dự án còn thiếu, định giá đất phù hợp với giá thị trường để tính tiền sử dụng đất dự án, tạo điều kiện cho DN hoàn thành dự án cũng như nghĩa vụ với nhà nước và khách hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.