Doanh nghiệp bội tín, nông dân trồng ớt nhận... trái đắng

20/05/2018 13:05 GMT+7

Hàng trăm nông dân tại Quảng Trị đang khóc ròng vì ớt chín đỏ trên cây nhưng doanh nghiệp từng hứa bao tiêu toàn bộ sản phẩm bội tín, không thực hiện cam kết…

Vụ đông xuân 2017 - 2018, UBND huyện Cam Lộ, Gio Linh (Quảng Trị) đã có liên hệ với Công ty CP đầu tư quốc tế Thiên An (gọi tắt là công ty Thiên An) để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ớt trên địa bàn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch với giá 5,5 ngàn đồng/kg ớt sừng trâu và 8,5 ngàn đồng/kg ớt chỉ thiên. Lúc này sẽ tính toán trừ lại tiền giống, phân, người nông dân chỉ bỏ công chăm sóc.
Tại huyện Cam Lộ, người dân các xã Cam Tuyền, Cám Hiếu, Cam Thủy, thị trấn Cam Lộ đã tham gia trồng ớt với diện tích 4 ha ớt chỉ thiên, 13,15 ha ớt sừng trâu. Trong khi tại huyện Gio Linh, 10 ha ớt chỉ thiên đã được trồng rải rác tại các xã Gio Mỹ, Trung Sơn, Gio Thành…
Phía Công ty Thiên Ân đầu tư giống, phân và hứa bao tiêu sản phẩm, trong khi người nông dân bỏ công chăm sóc ẢNH: THANH LỘC
Tuy nhiên, khi ớt đã chín đỏ, UBND huyện Cam Lộ đề nghị Công ty Thiên An sớm triển khai thu mua thì phía công ty cho biết do điều kiện thị trường gặp khó khăn nên công ty không triển khai thu mua như đã cam kết, đồng thời chấp nhận không thu hồi các khoản đầu tư ứng trước của công ty.
Thực tế tại ruộng ớt, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều diện tích ớt chín đẹp, đỏ, nhưng không thể thu hoạch vì… chẳng ai mua.
“Ớt chỉ thiên chúng tôi còn ăn, bán ra chợ hoặc phơi khô làm ớt bột, chứ ớt sừng trâu thì… chịu vì đây là một loại ớt hoàn toàn khác biệt. Nên giờ chúng tôi không biết phải làm sao nữa, dù đã bỏ bao công sức trồng lên”, một nông dân ở xã Cam Tuyền buồn bã nói.
Trong khi đó, tại huyện Gio Linh, 10 ha ớt phát triển hết sức bình thường (dự kiến năng suất xấp xỉ 10 tấn/ha) nhưng nông dân và chính quyền cũng đang nhấp nhổm vì ớt đã chín trên cây rồi mà không thấy Công ty Thiên An ngó ngàng tới.
Ớt không được thu mua, chín héo ngay trên cây ẢNH: THANH LỘC
Ông Trương Chí Trung, Bí thư huyện ủy Gio Linh cho biết: “Phía doanh nghiệp không lừa mình đâu vì bản thân họ cũng đầu tư vào đây mà chưa lấy lại đồng nào. Chỉ vì bây giờ họ chưa tìm được đầu ra. Nhưng huyện sẽ không chờ doanh nghiệp đâu mà sẽ làm văn bản ra hạn chót đến ngày 23.5 này, nếu Công ty Thiên An không thu mua thì huyện sẽ có cách xử lý của huyện để người trồng ớt được đảm bảo quyền lợi tối thiểu”.
Trong khi đó, ngày 18.5, ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ đã có văn bản kêu gọi “giải cứu” ớt, giúp bà con thu hồi một phần kinh phí, ổn định sản xuất. Theo đó, một mặt huyện này đã để Công ty Từ Phong mua 15 tấn ớt với giá 3.000 đồng/kg, một mặt huyện đề nghị UBMTTQ, các đoàn thể, liên đoàn lao động huyện kêu gọi công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn, người lao động mua sản phẩm ớt quả để giúp đỡ bà con nông dân, phấn đấu đạt 12 tấn, giá 5.500 đồng/kg, mỗi đoàn viên công đoàn, người lao động mua 9 kg ớt quả.
Đến cuối ngày 18.5, đã có 30 tấn ớt của nông dân huyện Cam Lộ được thu mua với giá 3.000 đồng/kg nhưng hiện vẫn còn hàng chục tấn ớt tại địa phương này đang chờ được… giải cứu. Nhưng thực tế, có một điều khác cũng cần được giải cứu ngoài ớt ngay lúc này đó chính là niềm tin của nông dân khi tham gia vào các chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp.
Tại huyện Vĩnh Linh cũng có một dự án liên kết trồng ớt với diện tích triển khai lên tới 46 ha. Ông Thái Văn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện này cho biết đơn vị ký hợp đồng với các hợp tác xã tại địa phương là Công ty xuất nhập khẩu nông lâm sản Việt Nam với cam kết hỗ trợ giống, phân và bao tiêu sản phẩm.
“Hiện giá ớt đang xuống nhưng phía công ty vẫn gửi văn bản cho chúng tôi đảm bảo thực hiện đúng cam kết. Ngày 19.5, UBND huyện đã họp với các hợp tác xã và doanh nghiệp để chốt giá cụ thể và tiến hành thu mua ngay trong ngày hôm sau”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.