Doanh nghiệp cần giảm thủ tục thực

06/03/2019 08:27 GMT+7

UBND TP.HCM vừa có yêu cầu Sở KH-ĐT TP đề xuất các giải pháp cải cách hành chính mới. Trong đó, dự kiến thời gian xét duyệt dự án đầu tư tối thiểu giảm 50% so với quy định hiện hành.

Năm 2018, Sở KH-ĐT đã cam kết với Phòng Thương mại - Công nghiệp VN cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư theo quy định như từ 15 ngày còn 10 ngày, 10 ngày còn 7 ngày, 7 ngày còn 5 ngày... Năm 2019, đơn vị này cũng hứa sẽ đề xuất việc xin ý kiến các sở, ngành quận, huyện bằng thư điện tử và lấy ý kiến trực tiếp để rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư… Tuy nhiên, cụ thể thế nào phía đơn vị này cũng chưa công bố kế hoạch chi tiết.

Bất động sản bị "hành" nhiều nhất

Luật sư Nguyễn Quốc Toản (Đoàn luật sư TP.HCM), chuyên tư vấn đầu tư và làm thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp (DN), cho rằng nếu cải cách được các thủ tục hành chính một cách triệt để, nguồn lợi thu về cho xã hội là rất lớn. Nó không đong đếm bằng con số ngay lập tức nhưng chỉ cần tinh thần, tâm lý nhà đầu tư thấy mình bớt bị “hành” đi, họ sẽ phấn chấn hơn. Theo đó, hiệu suất công việc, kinh doanh đầu tư cũng tăng theo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nói thẳng lĩnh vực đầu tư bất động sản bị “hành” nhiều nhất. Nếu giảm thời gian xét duyệt dự án đầu tư tối thiểu 50% thì quá tốt cho người dân và DN. “Một dự án hàng ngàn tỉ đồng tiền mua đất, chậm ngày nào, lãi vay, chi phí vốn đội lên ngày đó. Đẩy nhanh thời gian, cái lợi trước mắt là tiền, hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng một dự án chứ không phải vài ba triệu”, ông Châu nói.
Theo ông Châu, ở nước ngoài, thiết kế và thẩm định thiết kế công ty tư nhân làm và chịu trách nhiệm, nhà nước chỉ làm về quy hoạch rất chi tiết, và hậu kiểm - người dân, DN căn cứ vào đó xây dựng, không cần giấy phép xây dựng. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn phải cấp phép xây dựng đến từng hộ dân trong khi Bộ Xây dựng đã thẩm định thiết kế, quy hoạch đã duyệt rồi. “Hiện nay xin thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật… DN khắp nơi vẫn phải bay ra Bộ Xây dựng xin, điều này phát sinh rất nhiều chi phí ăn ở, đi lại… Thực tế, chi phí mềm là chi phí chính của DN vì chi phí này rất lớn. Các DN đều có nguyện vọng là chỉ cần nhà nước hỗ trợ về thủ tục hành chính, không cần hỗ trợ về vốn. Bởi vốn có thể xoay được, còn thủ tục hành chính gần như phải chịu phụ thuộc hết vào cơ quan chức năng”, ông Châu nói.
Ông P.A.T, lãnh đạo một công ty bất động sản nhưng đề nghị không nêu rõ tên, cho biết sau nhiều năm nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, dường như nhiều thủ tục đang càng ngày càng phình ra. DN vẫn bị gây khó khăn từ thủ tục đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm, cấp sổ đỏ cho người dân, cấp phép xây dựng…
"Chỉ một thủ tục kiểm tra phòng cháy chữa cháy cũng có thể gây khó cho DN, thậm chí không thể kinh doanh được”, ông kể: “Công ty chúng tôi xây dựng tòa nhà thương mại, trong bản vẽ xây dựng phần thương mại để trống. Khi đưa vào vận hành, phần thương mại được bố trí chia ra từng khu để cho thuê kinh doanh như ăn uống, thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng… Nhưng đơn vị PCCC xuống kiểm tra thì nói là thay đổi công năng, không duyệt. Thế là tòa nhà bỏ đó”.

Nhiều thủ tục được “tách nhỏ”

Luật sư Nguyễn Quốc Toản nhận xét: Thực chất của việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư như Sở KH-ĐT TP.HCM báo cáo chưa thực sự thuyết phục. Hiện các thủ tục đăng ký đầu tư đều được thực hiện qua online. Trước đây chờ 5 ngày để có kết quả sau khi đã nộp hồ sơ qua online, nay giảm xuống còn 3 ngày làm việc. Thời gian chờ đợi có kết quả trả lời ngắn hơn song thực ra điều đó không giảm nhiều như các báo cáo nêu bởi các thủ tục đang được “tách nhỏ” một cách khó chịu hơn. Chẳng hạn, ngày trước sau khi cấp giấy phép đầu tư thì cấp con dấu và mã số kinh doanh cùng một lượt. Nay cấp giấy phép kinh doanh đầu tư xong, DN phải nộp con dấu, chờ nhận được thông báo chấp nhận con dấu trên hệ thống DN đăng ký là Cổng thông tin đăng ký quốc gia.
Có thông báo chấp nhận rồi, con dấu của DN mới có hiệu lực. Việc chờ trả kết quả đó thực chất là “đẻ” thêm thời gian chờ đợi của DN mà trước đây không có chuyện này. Thế nên, có thể nói, việc nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua online là giảm bớt thời gian “chạy đi chạy lại” của DN, thủ tục sai có thể chỉnh sửa ngay trên bảng online… chứ bản chất của việc cải cách đơn giản thực sự như DN kỳ vọng vẫn chưa được thực hiện tốt.
Thực tế, câu chuyện cải cách hành chính trong đăng ký đầu tư, kinh doanh tại VN là câu chuyện dài và… chưa thấy hồi kết. Ngay sáng 4.3, phản ánh về môi trường đầu tư tại VN mà DN Nhật đang đối diện, trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), ông Kitagawa Hironobu cho rằng, chính hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng tại VN đang gia tăng, gây khó cho nhà đầu tư. Trong số các lợi thế về môi trường đầu tư thì quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng là lợi thế lớn nhất, tiếp đó là so với các nước khác, chi phí nhân công rẻ cũng là lợi thế được các DN đề cập đến. Tuy nhiên, rủi ro trong môi trường đầu tư mà các DN Nhật Bản đang đầu tư tại VN gặp phải có thủ tục hành chính và thủ tục thuế. Điều này đang gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.