Doanh nghiệp cần thêm thời gian trả nợ

23/02/2024 06:20 GMT+7

Các ngân hàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm Thông tư 02/2023 quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thay vì hết hạn vào ngày 30.6.

Chủ nợ kiến nghị gia hạn nợ cho doanh nghiệp

Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng (NH) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 cách đây 3 ngày (hôm 20.2), lãnh đạo các NH đồng loạt đề xuất NH Nhà nước (NHNN) gia hạn thêm Thông tư 02/2023 (Thông tư 02) từ 6 tháng đến 1 năm, thay vì đến 30.6.

Doanh nghiệp cần thêm thời gian trả nợ- Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đồng loạt kiến nghị gia hạn Thông tư 02 quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ

NGỌC THẮNG

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, kiến nghị và mong muốn NHNN gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu, gia hạn nợ để cả khách hàng và NH có điều kiện hơn trong việc trả nợ.

Tương tự, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV, cho hay những khó khăn của thị trường đang ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Đáng chú ý là khi Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực từ ngày 30.6 tới đây, khả năng nợ xấu sẽ tăng.

Ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc LPBank, cho biết đến nay NH này cơ cấu được khoảng 2.500 tỉ đồng dư nợ theo Thông tư 02. Tuy nhiên, việc trả nợ đến khi Thông tư 02 đến hạn vào 30.6 tới cũng là khó khăn, do đó các NH mong muốn được NHNN gia hạn thêm thời gian cơ cấu, gia hạn nợ theo Thông tư 02. Đây cũng là kiến nghị tương tự của lãnh đạo các NH tại hội nghị như MB, Techcombank, VPBank…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH VN, nêu ý kiến: Năm 2024, room tín dụng không còn là vấn đề, dư địa cho vay nhiều; nhưng quan trọng là NH phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay. Đáng chú ý là trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay đòi hỏi NH tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Vì thế, ông Hùng cũng đưa ra kiến nghị NHNN gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, song cũng cần có biện pháp để xử lý các hội nhóm "bùng nợ" công khai hiện nay.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đồng tình rằng cần thiết để xem xét gia hạn Thông tư 02, nhưng gia hạn 6 tháng hay 1 năm thì phải xem xét kỹ.

Việc giữ nguyên phân loại nhóm nợ để cơ quan quản lý biết được hiện nợ xấu của nền kinh tế là bao nhiêu, tình hình hoạt động của DN đang như thế nào, để có các dự báo và đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp hơn.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Cần đánh giá kỹ về nợ xấu

Liên quan kiến nghị của các NH về việc gia hạn Thông tư 02, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), nhận định nền kinh tế VN dù đang phục hồi nhưng nhiều ngành nghề vẫn đối diện khó khăn như xuất khẩu, bất động sản… Do đó, có thể xem xét để gia hạn thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ DN. Thời gian gia hạn khoảng 6 tháng nhưng thậm chí có thể kéo dài đến 1 năm. Việc gia hạn trong thời gian 1 năm sẽ giúp chính sách có tính ổn định và các công ty đưa ra được kế hoạch dài hạn cho hoạt động.

"Chúng ta đang kỳ vọng kinh tế thế giới trong 6 tháng cuối năm nay sẽ có những chuyển biến tốt hơn, nhất là nếu kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái và nước này sẽ bắt đầu giảm lãi suất. Nhưng vẫn còn có xác suất dù Mỹ giảm lãi suất nhưng kinh tế nước này rơi vào suy thoái thì nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Từ đó các hoạt động xuất khẩu của VN cũng chưa khởi sắc và hoạt động của nhiều DN lại tiếp tục gặp khó khăn", TS Độ nói.

Đồng tình với việc gia hạn thêm thời gian trả nợ của các DN có thể đến hết năm 2024, nhưng chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng NHNN nên xem xét không thể gia hạn thêm việc giữ nguyên nhóm nợ vì việc này sẽ khiến bức tranh tài chính của nền kinh tế không rõ ràng, minh bạch. Các NH cần phân loại đầy đủ các nhóm nợ để chất lượng tín dụng rõ hơn, từ đó sẽ liên quan đến các chính sách điều hành tiền tệ nói riêng và chính sách kinh tế chung của nhà nước.

"Để hỗ trợ DN, NHNN có thể ban hành quy định khác để NH vẫn phân loại nợ theo đúng quy định nhưng không áp dụng các lãi suất cao hơn khi DN bị chuyển nhóm nợ. Việc giữ nguyên phân loại nhóm nợ để cơ quan quản lý biết được hiện nợ xấu của nền kinh tế là bao nhiêu, tình hình hoạt động của DN đang như thế nào, để có các dự báo và đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp hơn", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng mới đầu năm mà nói đến chuyện gia hạn Thông tư 02 là còn hơi sớm. Bởi để có đánh giá rằng sau khi hết hạn áp dụng Thông tư 02 về việc gia hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho các DN thì nợ xấu sẽ gia tăng hay không, phải có số liệu cụ thể. Các NH cần có báo cáo chi tiết về các nhóm khách hàng, số tiền đã được gia hạn và thậm chí phải kèm theo dự báo khả năng thanh toán sau ngày 30.6 của các đối tượng khách hàng này…

Bên cạnh đó, theo TS Chí, liệu có cơ sở pháp lý nào để NHNN gia hạn tiếp tục Thông tư 02 hay không. Bởi mọi quy định trong lĩnh vực NH phải phù hợp với luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua vào giữa tháng 1 và hiện tại vẫn chưa có các văn bản để hướng dẫn thi hành luật này. Trong khi đó, luật mới này không đề cập đến việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng mà bắt buộc các NH phải tuân thủ quy định trong việc phân loại nợ, trích lập dự phòng đầy đủ. Như vậy khi cần xem xét để gia hạn Thông tư 02 thì NHNN phải thận trọng, đánh giá đầy đủ tình hình của hệ thống NH và có đầy đủ cơ sở pháp lý để có thể đề xuất với Chính phủ hoặc thậm chí với Quốc hội để ban hành quy định riêng.

Thay vào đó, TS Lê Đạt Chí cho rằng NHNN cần nhanh chóng đưa ra các văn bản hướng dẫn thực hiện luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đồng thời, nghiên cứu xem xét để có quy định phân loại tín dụng chi tiết hơn, từ đó áp dụng hệ số rủi ro khác nhau để khơi thông dòng vốn vay cho DN. Chẳng hạn, cùng dư nợ bất động sản, nhưng với hoạt động cho vay khách hàng cá nhân mua nhà ở thì chỉ áp dụng hệ số rủi ro là 100%; cho DN vay mua nhà xưởng thì hệ số rủi ro có thể là 120%; cho DN bất động sản vay thực hiện dự án chưa đầy đủ pháp lý thì hệ số rủi ro có thể lên đến 300%... mà không phải áp dụng chung một hệ số rủi ro cho vay bất động sản là 200% như hiện nay.

TS Chí nhấn mạnh: Việc đánh giá hồ sơ khách hàng để cho vay cũng như lựa chọn đối tượng cho vay là quyền của từng NH. Hiện nay nền kinh tế VN cũng không phải là quá xấu để tiếp tục gia hạn thêm quy định giữ nguyên nhóm nợ. Vì thực hiện điều đó là vô hình chung nợ xấu đang bị "che giấu" đi. Trong thực tế, năm 2023 dù nền kinh tế gặp khó khăn thì các nhà băng vẫn báo lãi lớn; và việc phải thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ với các khoản nợ xấu là nghĩa vụ phải thực hiện theo quy định.

Tại hội nghị NH ngày 20.2, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Hà Thu Giang cho biết, sau gần 8 tháng triển khai Thông tư 02 (lũy kế từ ngày 24.4.2023 đến 30.11.2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỉ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.