Khó vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác
Tại hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL cuối tuần qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng nếu ngân hàng (NH) nào không giảm lãi suất (LS) thì không có DN nào chơi với đơn vị đó nữa.
Theo ông Tú, hiện các NH đã hạ LS rất tích cực rồi, thế nhưng vẫn sẽ có những cơ chế buộc các nhà băng cạnh tranh với nhau hơn. Đặc biệt là chính sách cho phép DN vay của NH có lãi suất thấp để trả cho NH đang có LS cao.
Tuy nhiên, ở góc độ người đi vay, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, cho biết ông chưa thấy DN quen nào đi vay được ở NH khác để trả nợ cho NH đang vay. Hiện nay, các NH đều có thể nhìn thấy được thông tin của khách hàng với đầy đủ lịch sử tín dụng, các khoản vay đang có, tình trạng trả nợ, xếp hạng tín dụng… Nếu DN đang vay ở một NH thì làm sao giải tỏa được tài sản thế chấp để chuyển sang vay ở đơn vị khác? Còn nếu DN sử dụng tài sản thế chấp mới thì chính các NH đang có quan hệ sẽ dễ dàng và nhanh chóng cho DN vay với LS chắc chắn cũng khá thấp hơn hợp đồng vay cũ. Còn với những công ty mà không có tài sản đảm bảo thì lại không đủ điều kiện vay vốn từ NH…
Đồng tình, ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Thiên Bút, cho rằng nếu nói DN "quay lưng" với NH thì rất khó có thể xảy ra vì từ trước đến nay, DN sử dụng vốn tín dụng cho việc phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống NH rơi vào tình trạng thừa tiền thì DN cũng có thêm sự lựa chọn vay vốn ở những nhà băng đồng hành, hỗ trợ thay vì "chơi không đẹp" trong thời gian qua. Đối với những DN đủ lực, đáp ứng được các điều kiện thì đây là thời điểm để có thể tiếp cận được vốn vay NH tốt. Riêng đối với việc chuyển nợ từ NH này qua NH kia thì ông Trần Thanh Phong cho rằng DN rất ít khi làm việc này. Lý do là khi làm hồ sơ vay mới đã mất thời gian hơn trước đây rất nhiều, ít nhất 1 - 2 tháng, trong đó khâu chứng minh tài chính là phức tạp hơn trước đây. Do đó, nói việc chuyển nợ từ NH này sang NH khác để hưởng LS thấp hơn 1 - 2%/năm thì DN phải tính toán.
Bên cạnh đó, mỗi NH sẽ có phân cấp xét duyệt hồ sơ vay với những hạn mức tín dụng khác nhau. NH cấp chi nhánh được duyệt khoản vay từ 5 - 10 tỉ đồng, còn vay 50 tỉ thì cấp thành phố, còn trên nữa thì hội sở. Với những khoản vay lớn mà chuyển lên càng cao thì càng chờ lâu hơn. Đó là chưa kể vấn đề DN "ngán" nhất gần đây là NH cắt hạn mức tín dụng. Trong trường hợp khách hàng chuyển sang NH khác vay, liệu hạn mức tín dụng có bị giảm đi hay không? Trong quan hệ giữa DN và NH, ngoài LS vay phù hợp thì chỉ mong NH đừng cắt hạn mức tín dụng đẩy DN vào tình huống khó khăn đã là tốt rồi.
Đồng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định chính sách cho phép DN vay tiền từ NH này để trả nợ NH khác không dễ thực hiện. Tài sản thế chấp chỉ có thể chuyển từ NH này sang nhà băng khác trong nghiệp vụ mua bán nợ. Vì vậy, NH muốn cho DN vay trong trường hợp này cũng không thể làm được hồ sơ, trừ khi DN có nhiều tài sản đảm bảo để làm hồ sơ vay mới.
Doanh nghiệp phải phụ thuộc vào ngân hàng
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, trong quá trình hoạt động kinh doanh, hầu hết DN đều phải phụ thuộc vào nguồn vốn từ NH, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các kênh huy động vốn như trái phiếu hay cổ phiếu đều rất khó khăn. Đó là chưa kể những DN nhỏ, chưa niêm yết thì 2 kênh huy động vốn đó là chuyện không tưởng nên chỉ có thể tìm đến các nhà băng. Chính vì vậy, dù cho NH chậm chạp giảm LS thì các công ty cũng phải cắn răng gồng mình trả lãi. Làm sao có chuyện dám "nghỉ chơi" với NH?
"DN nào hiện nay muốn vay mà đủ điều kiện thì đều được NH săn đón, chào mời với LS khá thấp. Đối với một số khoản vay cũ, các nhà băng cũng đã từng bước giảm dần xuống còn 7,9 - 8,2%/năm, thấp hơn khoảng 1% so với vài tháng trước. Mặt bằng LS đang có xu hướng giảm về như giai đoạn trước đây nhưng nhiều DN không đủ điều kiện vay thì vẫn không thể tiếp cận được vốn dù NH thừa tiền", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Thực tế, tỷ lệ tín dụng trên GDP của VN qua các năm tăng cao cho thấy nền kinh tế dựa vào tín dụng từ NH khá lớn. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của VN là 89,7%; năm 2016 là 97,6% và cứ tăng dần đến năm 2021 là 113,2%; năm 2022 là hơn 125%. Tăng trưởng tín dụng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nên năm vừa qua khi tăng trưởng tín dụng cao thì GDP của VN cũng tăng cao trên 8%. Thế nhưng 8 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng chỉ tăng 5,33% so với cuối năm 2022, đạt hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%) và NH đang thừa tiền. Điều này sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, từ nhiều năm nay, kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng nên nói DN "quay lưng" lại với NH là rất khó. Trong khi thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) chưa phát triển mạnh thì DN vẫn dựa vào tín dụng NH là chính. Việc giảm hay không giảm LS cho vay chỉ là một yếu tố, vấn đề là NH có cho vay hay không.
Riêng đối với việc cạnh tranh giữa các NH khi cơ chế cho phép chuyển nợ từ NH này sang NH khác, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thực tế có thể có vài trường hợp nhưng để làm được không phải dễ. Cụ thể, NH mới phải thẩm định khách hàng, nhất là chứng minh nguồn tiền trả nợ. Hay việc chuyển dịch tài sản thế chấp từ NH này sang NH kia như thế nào. Ngoài ra, việc chuyển nợ từ NH này sang NH kia phải có lợi ích kinh tế đó là LS thấp với mức đủ lớn để bù đắp cho khoản phí phạt trả nợ trước hạn mà khách hàng phải chịu. Mức phạt này phổ biến từ 1 - 2% trên số dư nợ trả trước hạn, thậm chí có nhà băng còn đưa ra cao hơn mức này. Vì vậy, chính sách này nghe thì dễ nhưng lại rất khó áp dụng trên thực tế.
Riêng về việc lãnh đạo NHNN mở lời để nói rằng DN "nghỉ chơi" với NH giữ LS cao là có thể khuyến khích việc mạnh dạn thay đổi quan hệ với một NH không có thiện chí, không tạo điều kiện hỗ trợ cho DN trong giai đoạn khó khăn. Nhưng đó chỉ là đối với những DN còn đủ điều kiện để chuyển sang vay được của một NH khác. Còn với các công ty đang gặp khó khăn thì vẫn phải chịu phụ thuộc hoàn toàn vào NH khi cần vốn để sản xuất kinh doanh.
TS Lê Đạt Chí (Trưởng khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Bình luận (0)