Doanh nghiệp đau đầu với làn sóng ‘trả đồ hàng loạt’ trên TikTok

21/10/2024 08:23 GMT+7

Xu hướng mua sắm thả ga trên TikTok thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng loạt, song cũng trả lại phần lớn sản phẩm đang gây áp lực lên các nhà bán lẻ.

Tờ The Telegraph hôm 20.10 đưa tin mạng xã hội TikTok rộ lên xu hướng “mua sắm thả ga”. Theo đó, người dùng sẽ đăng video cảnh họ thử những món đồ khác nhau và để cộng đồng mạng cho ý kiến sản phẩm nào nên giữ hay trả lại.

Hơn 11 triệu video được đăng trên TikTok gắn kèm hashtag #KeepOrReturn (tạm dịch: giữ hay trả lại). Hơn 2 phần 3 số người mua sắm thuộc Gen Z (thường được coi là những người sinh vào năm 1997 - 2012) thừa nhận cố tình đặt mua nhiều loại quần áo trên mạng để rồi trả hàng.

Doanh nghiệp đau đầu với làn sóng ‘trả đồ hàng loạt’ trên TikTok- Ảnh 1.

Rộ lên xu hướng người dùng mua nhiều mẫu sản phẩm để thử và trả lại phần lớn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH THE CURRENT

Theo số liệu từ Công ty Retail Economics tại Anh, đơn vị nghiên cứu độc lập về kinh tế và thị trường, những người tiêu dùng có xu hướng “trả đồ hàng loạt” chiếm khoảng một phần tư số hàng trả lại trực tuyến trên khắp Vương quốc Anh mỗi năm. Ước tính gần 7 tỉ bảng Anh (hơn 9 tỉ USD) giá trị hàng bị trả lại mỗi năm ở Anh đến từ nhóm người này.

Nhiều cửa hàng quần áo trên các con phố ở Anh gặp phải tình trạng dư thừa những sản phẩm mà khách hàng không mong muốn. Một số người yêu cầu giao đến nhà nhiều sản phẩm với kích thước, màu sắc khác nhau để họ thử và giữ lại món đồ phù hợp rồi trả phần còn lại.

Dự báo giá trị từ hàng hóa trả lại trực tuyến năm nay sẽ hơn 27 tỉ bảng Anh, trong đó hàng bị trả từ nhóm “trả đồ hàng loạt” sẽ chiếm khoảng 6,6 tỉ bảng Anh, theo Retail Economics. Ước tính cứ mỗi người trong nhóm trên sẽ trả lại hàng hóa trị giá 1.400 bảng Anh mỗi năm.

Tổng giám đốc Retail Economics Richard Lim cho biết những người trả đồ hàng loạt đang âm thầm làm xói mòn lợi nhuận và gây áp lực lên các nhà bán lẻ. Doanh nghiệp thời trang Asos ở Anh hồi đầu năm cho biết những khách hàng thường xuyên trả đồ khiến công ty mất 6 bảng Anh cho mỗi đơn hàng. Một số khách đặt hàng 2 - 3 lần/tháng và trả lại 90% số hàng đã nhận.

Để đối phó với tình trạng trên, các doanh nghiệp đã đưa ra biện pháp như áp phí cho những người hay trả lại nhiều sản phẩm. Asos cho biết quy định mới của công ty yêu cầu những khách thường xuyên trả hàng sẽ bị tính phí gần 4 bảng Anh, nếu giá trị đơn hàng họ giữ lại thấp hơn 40 bảng.

Các công ty thời trang khác cũng đã đưa ra biện pháp tương tự. Ông Richard Lim cho rằng những nhà bán lẻ cần khẩn trương xem lại cách tiếp cận đối với việc quản lý hàng trả lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.