Doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lộ nhiều vi phạm

31/12/2022 06:06 GMT+7

Nhiều vi phạm của các doanh nghiệp là thương nhân đầu mối xăng dầu đã bị Thanh tra Bộ Công thương chỉ rõ trong các kết luận thanh tra, trong đó có phần trách nhiệm buông lỏng, lơ là quản lý từ các vụ, cục tại bộ này.

Không nhập khẩu, bán xăng ra ngoài hệ thống

Bộ Công thương đã ban hành Kết luận thanh tra số 8146 tại hơn 10 doanh nghiệp (DN) là thương nhân đầu mối xăng dầu khu vực phía nam gồm: Tổng công ty Dầu VN; Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM; Công ty cổ phần Tập đoàn Dương Đông; Công ty cổ phần đầu tư Nam Phúc; Công ty xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Tổng công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ; Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp...

Người dân xếp hàng chờ mua xăng dầu

Lường Đạt

Đối với việc nhập khẩu xăng dầu theo định mức phân giao, Thanh tra Bộ Công thương kết luận vẫn còn một số thương nhân đầu mối không thực hiện nhập khẩu hoặc nhập ít hơn số lượng được phân giao. DN báo cáo kho xăng dầu chưa đúng thực tế, không báo cáo chi tiết về số lượng đại lý, thương nhân nhượng quyền. Một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết giá trị, chưa được cấp lại nhưng vẫn đăng ký trong hệ thống và tổ chức bán hàng là vi phạm quy định tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP.

Nhiều lỗi vi phạm phổ biến của các DN được chỉ rõ như: ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân không đủ điều kiện theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu, hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu, thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu này đang thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ Công thương ghi nhận DN đầu mối xăng dầu có hành vi bán hàng ra ngoài hệ thống; bán cho các cửa hàng bán lẻ khi chưa có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Như Công ty cổ phần Thiên Minh Đức (Nghệ An) mua xăng dầu từ 2 công ty con của Tập đoàn xăng dầu VN (Công ty xăng dầu khu vực II - TNHH MTV; Công ty xăng dầu Nghệ An) và một công ty con Tổng công ty Dầu VN (Công ty CP xăng dầu Vũng Áng), dù các công ty này không phải thương nhân đầu mối kinh doanh, phân phối xăng dầu. Thanh tra Bộ Công thương kết luận các công ty con của Tập đoàn xăng dầu VN và Tổng công ty Dầu VN bán xăng dầu cho Công ty Thiên Minh Đức là không phù hợp với quy định tại Nghị định 83/2014-NĐ-CP sửa đổi và Thông tư 38/2014/TT-BCT sửa đổi.

Tương tự Công ty Phúc Lộc Ninh (Hà Tĩnh) mua xăng dầu từ Công ty xăng dầu Nghệ An, Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế (là công ty con của Tập đoàn xăng dầu VN) và Công ty TNHH MTV Dương Đông - Quảng Nam không phải là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu là không phù hợp với quy định pháp luật.

Ngoài ra, Công ty Phúc Lộc Ninh có giao dịch mua bán xăng dầu với Công ty TNHH Nam Giang và Công ty TNHH MTV Tuấn Thiện khi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu của các DN này đã hết hiệu lực là có dấu hiệu thực hiện hành vi vi phạm các quy định của Nghị định 99/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP.

Cơ quan quản lý buông lỏng, bỏ lọt vi phạm ?

Đáng lưu ý trong các kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Công thương chỉ rõ trách nhiệm của một số vụ, cục tại Bộ dẫn đến một số sai sót, vi phạm của các DN đầu mối xăng dầu.

Thanh tra Bộ Công thương giao Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương triển khai rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu; các DN có hoạt động mua, bán xăng dầu mang dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật đã được nêu cụ thể tại các kết luận thanh tra.

Cụ thể, qua thanh tra tại Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh (Hà Tĩnh), DN này đang bị Công an tỉnh Nghệ An tạm giữ giấy tờ liên quan đến kinh doanh xăng dầu nên không cung cấp đủ tài liệu cho đoàn thanh tra. Khi đối chiếu với tài liệu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Thanh tra Bộ Công thương cho rằng số liệu giữa DN và Vụ Thị trường trong nước là “không trùng khớp”. Ngoài ra, trong năm 2021, DN này không đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu với Bộ Công thương, năm 2022 thì đăng ký muộn.

Thanh tra Bộ Công thương khẳng định kết quả kiểm tra các báo cáo của DN đầu mối gửi hằng năm về một số vụ, cục tại Bộ Công thương đã thể hiện có hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, việc duy trì hệ thống theo quy định. Tuy nhiên, một số vụ, cục của Bộ Công thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chưa kịp thời kiểm tra, đối chiếu, rà soát các báo cáo này; chậm trễ trong việc phát hiện hành vi vi phạm, kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các hình phạt theo quy định.

Đáng lưu ý, qua kiểm tra hồ sơ cấp phép, kiểm tra thực tế tại các DN, đoàn kiểm tra của Bộ Công thương do Vụ Thị trường trong nước chủ trì đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính, việc chưa đáp ứng giấy phép kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu nhưng không chuyển hồ sơ và kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Một số vụ, cục của Bộ Công thương chưa thực hiện kiểm tra, giám sát DN đầu mối thực hiện các quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.