84 dự án bị chậm tiến độ
Hôm qua, 36 doanh nghiệp (DN) đầu tư điện gió, điện mặt trời (ĐMT) chuyển tiếp (dự án không vận hành thương mại kịp thời hạn để hưởng giá ưu đãi cố định trong 20 năm) đã có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện. Theo các DN, do ảnh hưởng dịch Covid-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo (NLTT) với tổng công suất hơn 4.676 MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch, nên không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm. Trong đó, có 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 ĐMT) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Tới đầu năm nay, Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện mới cho các dự án chuyển tiếp với giá trần dự án ĐMT là 1.185 - 1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587 - 1.816 đồng/kWh, tùy loại hình. Mức trần này thấp hơn 20 - 30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây. Các nhà đầu tư cho rằng họ đã phải chờ hơn 2 năm để có cơ chế giá phát điện mới, làm cơ sở để thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn điện lực VN (EVN). Tuy nhiên, với khung giá này, giá bán điện thực tế của các dự án chuyển tiếp sau đàm phán sẽ thấp hơn hoặc bằng mức trần tại khung giá.
Từ đó, các DN lo ngại sẽ lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Theo tính toán, tổng vốn đầu tư của 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng gần 85.000 tỉ đồng, trong đó 58.000 tỉ là vốn vay ngân hàng. Số tiền này sẽ không thể thu hồi, thậm chí, DN vỡ phương án tài chính với khung giá phát điện mới này. Về lâu dài, theo các DN, cơ chế giá không hiệu quả sẽ dẫn tới dừng hoặc chậm đầu tư các dự án, khó đảm bảo cam kết chuyển dịch năng lượng.
Tại văn bản kiến nghị Thủ tướng, các chủ đầu tư cũng cho rằng Thông tư 01 hướng dẫn thực hiện phát triển dự án điện gió, ĐMT và hợp đồng mua bán điện mẫu của Bộ Công thương đã bỏ 3 nội dung tại Nghị quyết về khuyến khích phát triển năng lượng sạch. Trong đó, bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong 20 năm, bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD và bỏ điều khoản trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng từ dự án điện gió nối lưới tại điểm giao nhận.
Vì vậy, 36 DN NLTT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu và tính toán để đưa ra khung giá phát điện mới trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá và tham vấn với Hội đồng tư vấn, Bộ Tài chính để đảm bảo khách quan, minh bạch. Đồng thời kiến nghị được huy động công suất của các dự án đã hoàn tất xây dựng trong thời gian chờ sửa khung giá phát điện cũng như chuyển đổi tiền mua điện sang USD và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá. Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp để đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động, bởi nhiều đơn vị sử dụng điện lớn đã sẵn sàng mua điện từ các dự án này.
Xem xét các dự án chậm hưởng ưu đãi do khách quan
Chuyên gia NLTT Ngô Đức Lâm cho rằng, giá FIT cho các dự án NLTT chuyển tiếp phải qua đấu thầu. Quốc gia nào khi xây dựng chiến lược phát triển NLTT cũng có chính sách trợ giá ban đầu để động viên. Sau đó theo thì đấu thầu, ai đưa giá thấp hơn sẽ được chọn. Trong thực tế, nhà đầu tư điện gió, ĐMT từng có kiến nghị lên Chính phủ vấn đề này. Nếu đúng dự án chậm hưởng giá FIT do bị ảnh hưởng bởi lý do khách quan dịch Covid, nên xem xét lại. Dự án nào chậm, do chủ quan của nhà đầu tư và triển khai chậm, cho dù hoàn thành thi công, thử nghiệm ngay trong thời điểm Covid bùng phát, vẫn khó chiếu cố. "Việc chiếu cố xem xét các dự án trễ để hưởng giá FIT cần chi tiết và cụ thể hơn, phải làm nhanh. Quốc hội đã có ý kiến và tôi ủng hộ quan điểm này. Vấn đề là cơ quan quản lý triển khai chậm, ảnh hưởng đến nhà đầu tư cũng không được", ông Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.
Theo các nhà đầu tư, Quyết định 21 của Bộ Công thương chưa bảo đảm việc thẩm định và lấy ý kiến một cách kỹ lưỡng. Bộ Công thương giao cho EVN và công ty mua bán điện (EVN/EPTC) xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, EVN/EPTC là bên mua điện luôn muốn xây dựng cơ chế giá đầu vào rẻ nhất, do đó không đảm bảo tính khách quan để đánh giá tác động kinh tế, xã hội làm cơ sở để xây dựng một chính sách có ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng.
Cũng theo chuyên gia này, khả năng điện than vốn chiếm tỷ lệ khá lớn nhưng đang lỗ nặng do giá than nhập khẩu tăng quá mạnh. Năm 2022, EVN báo cáo lỗ đến hàng chục nghìn tỉ đồng vì chi phí sản xuất điện tăng. Vì thế trong giai đoạn này, cần đưa luôn nguồn NLTT vào để sử dụng. Về lâu dài có thể giảm mạnh nguồn điện than, tăng cường điện tái tạo bởi trong vòng hơn 5 năm qua, chi phí đầu tư năng lượng sạch đã giảm 20 - 30% rồi. Bên cạnh đó, cần cân đối hệ thống, đường truyền tải, điều độ…
"Tôi ủng hộ kiến nghị của các nhà đầu tư về việc giá điện nên có nghị định hoặc văn bản nào đó quy định tính toán lại công bằng, không còn kiểu hỗ trợ theo thời bao cấp nữa. Yếu tố công bằng giữa giá điện than, điện tái tạo cần tính đến. Trong thực tế, điện than hiện nay không bao gồm chi phí phát thải khí carbon vào môi trường, nghĩa là không tính giá môi trường. Nếu tính thì cao hơn rất nhiều, có thể còn đắt hơn giá ĐMT, điện gió. Chúng ta đang tiến tới tương lai giảm phát thải khí carbon, Chính phủ cần cân nhắc vấn đề này. Bên cạnh đó, khung giá điện cao hay thấp đôi khi không phụ thuộc vào nhà đầu tư mà phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế, của người dân thế nào mới quan trọng. Nếu tăng giá điện mua vào, tăng giá điện bán ra cho người dân làm sao dân chịu nổi. Giá điện tăng thì liên quan hệ thống kinh tế, lạm phát quốc gia…", chuyên gia này nhấn mạnh.
Với kiến nghị cần có thị trường mua bán điện, theo GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực VN, luật Điện lực đã có quy định, nhưng việc triển khai quá chậm. Từ năm 2013, đã có kiến nghị xây dựng thị trường mua bán điện, nhưng đến nay vẫn chưa có đúng nghĩa. Trong kế hoạch, năm 2023 - 2024 phải có thị trường mua bán điện nhưng tình hình cho thấy có thể bị kéo dài và chậm hơn so với mục tiêu đưa ra. "Mục đích cuối cùng của thị trường điện cạnh tranh là nhiều tổ chức buôn bán điện cạnh tranh với nhau, ngày nào công ty mua bán điện vẫn trực thuộc EVN, ngày đó giá điện khó có yếu tố cạnh tranh từ mua đến bán", GS Long nhận định. GS Trần Đình Long phân tích thêm: "Việc bỏ thời hạn tính giá điện tái tạo 20 năm là đúng, có thể chỉ 10 năm, bởi chi phí đầu tư liên quan NLTT thay đổi rất nhanh và công nghệ ngày càng phát triển, giá thành sẽ giảm nhanh".
Bình luận (0)