Doanh nghiệp điều khốn khổ vì đối tác ngoại xù hợp đồng

01/06/2024 09:53 GMT+7

Giá điều thô châu Phi đã tăng 50% chỉ trong vòng 1 tháng, hàng loạt nhà cung cấp đã ký hợp đồng trước đó lập tức chây ì, không giao hàng khiến các doanh nghiệp chế biến trong nước gặp khó khăn.

Giá tăng, hủy giao hàng

Chiều 31.5, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã tổ chức họp khẩn để cung cấp thông tin về tình hình các đối tác cung cấp nguyên liệu điều thô từ châu Phi đơn phương hủy hợp đồng hàng loạt. 

Theo Vinacas, chế biến và xuất khẩu điều những tháng đầu năm 2024 diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên, gần đây sau khi Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC) công bố thông tin sản lượng điều thô ở châu Phi giảm sút khoảng 7% do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, một số nhà cung ứng nguyên liệu lấy lý do mất mùa để không giao hàng hoặc yêu cầu tăng giá theo mức tăng hiện tại thì mới tiếp tục giao.

Doanh nghiệp điều khốn khổ vì đối tác ngoại xù hợp đồng- Ảnh 1.

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá điều thô đã được đẩy lên tới 1.500 - 1.600 USD/tấn, tăng gần 50% so với trước

QUANG THUẦN

Ông Nguyễn Minh Họa, Phó chủ tịch Vinacas thông tin: Thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua nguyên liệu (nửa cuối tháng 2 và tháng 3.2024), giá điều nguyên liệu ở mức 1.000 - 1.100 USD/tấn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá điều thô đã được đẩy lên tới 1.500 - 1.600 USD/tấn, tăng gần 50% so với trước. Đây là diễn biến từ trước đến nay chưa từng xảy ra.

Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, cho biết: "Vụ điều 2024, Công ty Hoàng Sơn đã ký hợp đồng nhập khẩu 52.000 tấn điều thô từ Tây Phi với kỳ hạn giao hàng trong tháng 4 - 6.2024. Tuy nhiên, đến hiện tại, doanh nghiệp mới được giao khoảng 25.000 tấn đúng với giá ban đầu; khoảng 15.000 tấn đang bị đối tác đàm phán nâng giá hoặc giao hàng giảm chất lượng; còn lại khoảng 10.000 - 12.000 tấn xác định đã bị hủy giao hàng".

"Không phải tất cả nhưng đã có một đối tác xuất khẩu điều thô tại Tây Phi hủy đơn, không giao hàng; có doanh nghiệp đã đưa hàng lên tàu nhưng không giao bộ chứng từ để doanh nghiệp Việt Nam nhận hàng. Một số người bán đang yêu cầu phía người mua tăng giá, nếu không sẽ bán cho khách hàng khác. Lại có trường hợp đối tác chỉ giao một phần đơn hàng đã ký, phần còn lại yêu cầu tăng giá theo giá mới hoặc giao hàng có chất lượng thấp hơn so với thỏa thuận ban đầu", ông Tạ Quang Huyên bức xúc.

Trao đổi với Thanh Niên từ Thái Lan, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Tổng giám đốc Công ty Long Sơn, xác nhận: "Tình hình đơn phương hủy hợp đồng, chây ì giao hàng, có ý định hủy hợp đồng đang xảy ra trên diện rộng, hầu như doanh nghiệp chế biến điều nào cũng bị ảnh hưởng. Thông tin châu Phi mất mùa, giảm sản lượng kèm theo việc Bờ Biển Ngà ngừng xuất khẩu điều thô để ưu tiên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trong nước đã khiến việc 'xù' hợp đồng xảy ra khắp nơi".

Hậu quả nặng nề

Theo ông Vũ Thái Sơn, với việc đứt gãy nguồn cung ứng điều thô, khả năng nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguồn hàng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu, bởi lẽ, doanh nghiệp chế biến cũng đã ký kết đơn hàng xuất khẩu điều nhân dựa trên giá mua điều thô. Với mức tăng giá như hiện nay, doanh nghiệp chế biến không thể cân đối giá bán và phải chịu thua lỗ lớn.

Doanh nghiệp điều khốn khổ vì đối tác ngoại xù hợp đồng- Ảnh 2.

Giá điều nhân bán ra dù có điều chỉnh tăng vẫn chậm hơn giá điều thô khoảng 15%, khiến các doanh nghiệp sản xuất không thể cân đối được

QUANG THUẦN

Nếu đối tác không chịu giao hàng thì doanh nghiệp Việt Nam không có hàng để giao cho những nhà nhập khẩu điều nhân (hạt nhân điều đã tách vỏ) ở châu Âu, châu Mỹ… Lo nhất là quý 3, quý 4 năm nay sẽ không có hàng xuất khẩu. Từ đó bùng nổ tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà chiên rang hạt điều và siêu thị nước ngoài. Chúng ta có nguy cơ bị phạt hợp đồng, mất uy tín, mất thị trường xuất khẩu

Ông Nguyễn Minh Họa, Phó chủ tịch Vinacas

Ông Nguyễn Minh Họa cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam là nước chế biến, xuất khẩu điều nhân hàng đầu thế giới; năng lực chế biến mỗi năm khoảng 3,5 - 4 triệu tấn điều thô nhưng nguồn cung trong nước càng ngày càng sụt giảm, đến nay chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu để chế biến, còn lại phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đặc biệt, lượng điều thô nhập khẩu từ khu vực Tây Phi chiếm đến 70% tổng lượng điều thô nhập khẩu. Do đó, nếu tình trạng bẻ kèo, làm giá kéo dài, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu chế biến sẽ hiện hữu trong nửa cuối quý 3, quý 4 năm nay và ảnh hưởng đến cả quý 1/2025.

Ông Cao Thúc Uy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Cao Phát, thông tin: "Mỗi năm, Cao Phát nhập khẩu khoảng 80.000 tấn điều thô từ các nguồn khác nhau; trong đó, Tây Phi chiếm phần lớn. Đến hiện tại, các hợp đồng mua nguyên liệu ký từ đầu vụ điều 2024 mới chỉ nhận được khoảng 70% lượng hàng và chất lượng cũng thấp hơn so với tiêu chuẩn. Thị trường điều thô những năm trước vẫn có biến động, nhưng chỉ ở mức từ 10 - 20% cho một năm, mức tăng từ 45 - 50% chỉ trong thời gian ngắn là điều chưa từng có trong lịch sử ngành điều từ trước đến nay. Trong khi đó, giá điều nhân bán ra dù có điều chỉnh tăng vẫn chậm hơn giá điều thô khoảng 15%, khiến các doanh nghiệp sản xuất không thể cân đối được".

Đồng tình với nhận định trên, ông Tạ Quang Huyên thừa nhận: "Tình trạng không tuân thủ hợp đồng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam. Khi doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến thì nguồn cung điều nhân xuất khẩu ra thế giới cũng sẽ bị đứt gãy, ảnh hưởng đến cả các nhà chiên rang, hệ thống phân phối trên toàn cầu".

Về phía Vinacas, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Vinacas nêu giải pháp: "Trong bối cảnh thị trường còn nhiều diễn biến phức tạp, Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp nỗ lực để đảm bảo tối đa hoạt động chế biến và giao hàng đúng hợp đồng đã ký kết. Trong trường hợp không có đủ nguyên liệu thì đàm phán, trao đổi với người mua điều nhân để khách hàng nắm rõ tình hình và có sự chia sẻ khó khăn. Vinacas cũng mong muốn Hiệp hội Các nhà xuất khẩu điều Tây Phi xem xét và hỗ trợ, nhắc nhở hội viên của mình thực hiện đúng hợp đồng cung ứng nguyên liệu đã ký kết, nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng điều bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các bên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.