Trao đổi với Thanh Niên ngày 26.9, ông Vũ Thái Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước cho biết: Các doanh nghiệp đã xuất khẩu điều nhân hơn 30 năm nay, việc kiểm dịch thực vật diễn ra khá thuận lợi, tuy nhiên gần đây, cơ quan kiểm dịch bố trí cán bộ đi kiểm 100% các lô hàng hạt điều đăng ký xuất khẩu tại nhà máy của doanh nghiệp xuất khẩu trải rộng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Do biên chế nhân sự kiểm dịch rất ít nên dù Chi cục Kiểm dịch II đã ủy quyền cho Kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu Hoa Lư đi lấy mẫu cho các lô hàng điều xuất tại địa bàn Bình Phước, tuy nhiên tình hình cũng chưa cải thiện được bao nhiêu do nhân sự kiểm dịch tại Hoa Lư cũng rất hạn chế. Khoảng cách từ Hoa Lư sang địa bàn huyện của Bình Phước cũng rất xa, mất nhiều thời gian di chuyển, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất hàng và quay vòng vốn của doanh nghiệp. Bình quân trong một ngày, riêng tỉnh Bình Phước có khoảng gần 30 doanh nghiệp rải rác khắp các huyện đăng ký kiểm dịch thực vật với số lượng khoảng 60 - 70 container/ngày nên rất mất thời gian.
Trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp điều, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) chia sẻ quy định áp dụng kiểm dịch là theo thông tư mới của bộ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đúng là có hạn chế do nhân lực không đáp ứng đủ, nhất là tại khu vực cảng TP.HCM do lượng hàng nhiều.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Bạch Khánh Nhựt - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cũng nhìn nhận hiện nay quy trình kiểm dịch lô hàng thực vật nhập khẩu, nhất là trong ngành hàng hạt điều đang gặp nhiều trở ngại do nhân sự của lực lượng chức năng không đủ đáp ứng. "Mỗi khi tàu hàng cập cảng có hàng ngàn container, nhân sự của Cục Bảo vệ thực vật thì chỉ có hạn, hiện nay nhiều doanh nghiệp thành viên đang than phiền về vướng mắc này. Hàng xuất khẩu đi cũng bắt buộc phải kiểm dịch, nhưng số lượng không nhiều so với hàng nguyên liệu nhập về. Chúng tôi đã có kiến nghị nhưng vướng mắc thuộc về nhân sự của cơ quan quản lý nên thật sự nan giải".
Ông Vũ Thái Sơn nhấn mạnh: Quy trình kiểm dịch thực vật hiện nay với tất cả các container điều nhân xuất khẩu là không phù hợp. Khi lô hàng điều nhân xuất khẩu thì 90% hợp đồng đều có quy định: "Chất lượng hàng hóa phải được kiểm định chất lượng bởi đơn vị giám định độc lập (thường là Vinacontrol, Cafecontrol, SGS, BV...), chỉ tiêu kiểm dịch bao gồm có mối mọt, côn trùng... trong sản phẩm". Các đơn vị giám định này sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 10% tổng số thùng carton của lô hàng, tiến hành phân tích kiểm định mẫu, nếu đạt chất lượng thì đơn vị giám định sẽ phát hành chứng thư, đây là chứng từ bắt buộc phải cung cấp để khách hàng thanh toán tiền hàng.
"Thời điểm kiểm định lô hàng là trước khi xuất khẩu, trùng thời gian với cơ quan kiểm dịch thực vật cũng đi lấy mẫu, kiểm tra mối mọt, côn trùng các lô hàng xuất tại các nhà máy. Như vậy, hiện đang có 2 đơn vị thực hiện giám định cùng chỉ tiêu, cùng thời gian, cùng mục đích đối với một lô hàng xuất khẩu, trong khi đơn vị giám định độc lập đang thực hiện quy trình giám định kỹ hơn rất nhiều so với cơ quan kiểm dịch thực vật: Tỷ lệ lấy mẫu nhiều hơn, kiểm tra phân tích mẫu kỹ hơn, chịu trách nhiệm cao hơn. Vì vậy, việc cơ quan kiểm dịch thực vật giám định lô hàng một lần nữa là không cần thiết" - ông Sơn nói.
Theo đại diện doanh nghiệp điều, hiện nay doanh nghiệp điều đang hết sức khó khăn, thua lỗ do giá bán thấp, trong khi giá nguyên liệu và chi phí sản xuất đều tăng. Vì vậy rất cần tháo gỡ về thể chế, chính sách, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bình luận (0)