Doanh nghiệp gặp phiền hà với thủ tục hành chính nào nhất?

26/11/2021 18:17 GMT+7

Theo báo cáo của VCCI, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều nhất là khi làm thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng; tiếp đó là quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…

Thủ tục cấp điện, nước ít gây phiền hà cho doanh nghiệp nhất

Tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, báo cáo về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường đã khiến không ít người giật mình.

Tại hội nghị, TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã công bố báo cáo khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Cụ thể, báo cáo thể hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng với tỷ lệ là 50%. Tiếp đến là thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là 48%. Đây là 2 loại thủ tục gây khó khăn nhất đối với doanh nghiệp.

VCCI đề xuất xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ khó khăn, thuận lợi về thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường ở từng địa phương để tạo ra chỉ báo cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tham khảo

lê quân

Báo cáo cũng cho rằng, cơ quan nhà nước cần đơn giản hoá các nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, thẩm duyệt, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy.

Theo VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát nêu ý kiến gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục 3 nhóm này lần lượt là 43,7%, 42,9% và 41,4%. Đây là những nhóm thủ tục liên quan đến việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong công tác thẩm duyệt của Bộ Xây dựng và Bộ Công an.

Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra thủ tục liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư gây khó khăn có 40,9% doanh nghiệp được khảo sát. Doanh nghiệp chỉ ít gặp khó khăn với các thủ tục về kết nối cấp thoát nước, cấp điện, tuy nhiên tỷ lệ gặp khó khăn vẫn lần lượt là 24,3% và 27,6%.

Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài khi liên quan đến thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường ít gặp khó khăn hơn do chính sách mở cửa, ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng trải nghiệm rõ nhất sự phức tạp của hệ thống thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường.

Các doanh nghiệp quy mô lớn hơn 200 tỉ đồng gặp ít khó khăn khi tuân thủ các thủ tục hơn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể do doanh nghiệp lớn thường có nguồn lực lớn hơn, có bộ phận nhân sự riêng về giải quyết các vấn đề pháp lý, chuyên nghiệp trong quản lý dự án, có chuyên môn sâu trong kỹ thuật, nghiệp vụ.

Các doanh nghiệp ở miền Trung thuận lợi hơn khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Khu vực Đông Nam bộ có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cao hơn các khu vực còn lại.

Khó khăn nhiều nhất là các thủ tục liên quan đến thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng,…

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường gặp nhiều khó khăn hơn doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Cụ thể, 51% doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc và Đông Nam bộ do phụ nữ làm chủ gặp khó khăn với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng…

Báo cáo của VCCI tạo điểm nhấn quan trọng khi nhắc đến thủ tục cấp phép xây dựng. Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới, VCCI cho biết, thủ tục cấp phép xây dựng ở nước ta có 10 bước, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương về đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy và cần trung bình 23,93 ngày mới hoàn thành.

Theo đó, một doanh nghiệp điển hình sẽ cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020, thậm chí có doanh nghiệp phải cần đến 9 lần qua lại cơ quan cấp giấy phép. Tình trạng này cũng không khá hơn năm 2019.

Từ thực tế khảo sát các doanh nghiệp, VCCI nhìn nhận, dư địa cải cách thủ tục hành chính ở nước ta còn nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường.

Cải cách thủ tục là gói hỗ trợ to lớn, lâu dài và rẻ nhất

VCCI đề xuất cần thiết xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường ở cấp tỉnh. Từ đó, chỉ rõ địa phương nào hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, hay tạo cơ chế khó khăn hơn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực kể trên. Bộ chỉ số sẽ giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm thông tin hữu ích khi thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương, tạo ra những chỉ báo quan trọng khi lựa chọn nơi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng tình với quan điểm cần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng

hoàng anh

Bà Nguyễn Minh Thảo, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng chúng ta đang nói nhiều về các gói hỗ trợ sau đại dịch Covid-19, nhưng chưa thực sự nhận rõ việc cải cách thủ tục hành chính mới là gói hỗ trợ to lớn, lâu dài mà rẻ nhất, ít tốn kém nhất, được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ nhất.

Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cũng cho rằng việc cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, bền vững, hiệu quả và trong tầm tay của các cơ quan nhà nước. Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngành xây dựng còn nhiều dư địa để cắt giảm mạnh. Bày tỏ tâm đắc với ý kiến cắt giảm thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là tạo ra gói hỗ trợ có tác dụng sâu, rộng, bền vững, ông Nghị cho biết sẽ đẩy mạnh rà soát bất cập trong luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở… trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.