Doanh nghiệp Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản muốn 'rót' thêm nhiều tỉ USD vào Việt Nam

22/04/2023 13:45 GMT+7

Các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ hàng loạt khó khăn cũng như sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Song, điểm sáng là có thêm những dự án đầu tư tỉ USD đang được xúc tiến khởi động.

Thông tin tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 22.4, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), nêu thực tế tỷ trọng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất - lĩnh vực mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất đã giảm mạnh.

Doanh nghiệp Hàn Quốc, Đức muốn rót thêm nhiều tỉ USD vào Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp, hiệp hội nước ngoài

NHẬT BẮC

Tốc độ xử lý thủ tục hành chính còn chậm

"Đáng tiếc là tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý 1 chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 344 dự án. Hàn Quốc từ vị trí nhà đầu tư số một tại Việt Nam xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008", ông Hong Sun nói.

Tuy nhiên, đại diện Kocham khẳng định Chính phủ cũng như rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác hợp tác tốt nhất của mình. Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu từ sản xuất, chế tạo sang công nghiệp dịch vụ; nếu trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động, thì gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao.

Hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, sử dụng khoảng 700.000 lao động.

"Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới, nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Tuy nhiên, nếu có sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam", ông Hong Sun nói.

Cụ thể, theo đại diện Kocham, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Công ty Điện tử Samsung - doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam cũng đã đầu tư thêm 20 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái.

Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

Doanh nghiệp Hàn Quốc, Đức muốn rót thêm nhiều tỉ USD vào Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham)

NHẬT BẮC

Dẫn chứng từ khảo sát của Tổ chức Xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO), ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, khẳng định các doanh nghiệp Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, 47% số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 1 - 2 năm tới.

Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư từ Nhật Bản dù tăng 53% về số lượng nhưng giảm 50% về giá trị. Thách thức của các doanh nghiệp là xuất khẩu toàn cầu chậm chạp, ngoài ra là chi phí, tiền lương của công nhân ngày càng tăng. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ dẫn đến tăng chi phí...

Một thách thức khác liên quan đến việc cấp các loại giấy phép trong nước, tốc độ xử lý thủ tục hành chính chậm. 66% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết các thủ tục hành chính có vẻ đang chậm lại, trong khi con số này ở ASEAN chỉ 47%.

"Việt Nam cần phải loại bỏ các loại phí không chính thức và tạo điều kiện cho mức giá phù hợp. Điều này quan trọng vì các doanh nghiệp cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch", đại diện JETRO nói và cho biết mong muốn chứng kiến đầu tư FDI vào các vùng như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Bình nhằm phát triển nền kinh tế địa phương.

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, quy mô đầu tư nước ngoài quý 1 đạt 5,44 tỉ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tương đương 50% tổng mức đầu tư cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2019. Tuy nhiên, về số lượng dự án đã tăng 13,5% đạt 1.459 dự án, cho thấy đa phần các dự án đầu tư mới đều là các dự án có quy mô nhỏ.

Cần rút ngắn thời gian phê duyệt dự án

Từ đầu cầu Munich (Đức), bà Antonia Zahn-Weber, Giám đốc điều hành VFT Industry UG, cho biết sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường đã quyết định triển khai dự án tại Việt Nam.

VFT Industry UG đã hợp tác với các doanh nghiệp Đức, Việt Nam để chuẩn bị cho khoản đầu tư ước tính 1,5 tỉ USD tại Việt Nam, có khả năng là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép không gỉ xanh ước tính 600.000 tấn/năm để giao thương trên thị trường Việt Nam và châu Âu.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, cho biết 3 năm qua bất chấp tác động của Covid-19, giá trị xuất khẩu hằng năm của Intel chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu khu công nghệ cao tại TP.HCM.

Khoản đầu tư của Intel đã tăng lên 1,5 tỉ USD và mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam. Đại diện Intel cũng bày tỏ hy vọng cơ chế một cửa có thể sớm được khôi phục để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh, giảm thời gian thực hiện cho tất cả các loại giấy phép như phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, môi trường…

Doanh nghiệp Hàn Quốc, Đức muốn rót thêm nhiều tỉ USD vào Việt Nam - Ảnh 4.

Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự hội nghị

NHẬT BẮC

Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản - Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), cho biết quan hệ đối tác với Việt Nam bắt đầu từ năm 1986.

Gần đây nhất, Sojitz đã mua lại Tổng công ty Giấy Sài Gòn và thành lập liên doanh mới với Tập đoàn Vinamilk để giới thiệu, quản lý theo phong cách Nhật Bản trong chăn nuôi.

Hiện tập đoàn này điều hành 23 công ty liên doanh đang hoạt động tại Việt Nam. Cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam giảm phát thải CO2 xuống 0% vào năm 2050, Sojitz cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, nhất là chậm trễ trong việc phê duyệt cho các dự án.

Ông Michael Michalak, Phó chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), thì kiến nghị trong lĩnh vực năng lượng, cần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt các dự án điện; ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết, sớm ban hành Quy hoạch điện VIII...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.