Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết du lịch Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 phát triển vượt bậc, khách quốc tế đến tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu, khách nội địa cũng tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt. Tuy nhiên, du lịch cũng là ngành chịu tác động bởi nhiều yếu tố, chịu thiệt hại nặng nề do dịch. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng, ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển du lịch.
Bà Gloria Guevara - người đứng đầu hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) từ kinh nghiệm thực tế trong lịch sử đã rút ra các nguyên tắc, đường lối cho việc phục hồi sau dịch. Thứ nhất là phải có cách tiếp cận mang tính phối hợp cao hơn. Việc mở cửa lại biên giới, gỡ bỏ các rào cản cần thực hiện với sự điều phối chặt chẽ, tránh việc áp đặt cách ly mà không có lý do. Thứ hai là cần tập trung đơn giản hóa trải nghiệm du lịch, bao gồm lộ trình từ sân bay đến khách sạn, trong đó chia làm hai giai đoạn trước và sau vắc xin, yếu tố thiết yếu giúp gây dựng lại niềm tin của du khách. Cuối cùng là duy trì hỗ trợ từ Chính phủ, không chỉ trong khủng hoảng mà còn phục vụ quá trình hồi phục để vượt qua những thời khắc khó khăn. WTTC gồm hơn 200 CEO thành viên, trong đó 90% phân bổ đều tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ, 10% còn lại thuộc các khu vực khác. WTTC bao trùm mọi lĩnh vực trong khu vực kinh tế và cung cấp các nghiên cứu về ảnh hưởng kinh tế cho 185 quốc gia trong 30 năm qua.
Đại diện Saigontourist, ông Võ Anh Tài cho rằng không thể chờ đến khi có vắc xin mới đi du lịch, ngành du lịch Việt Nam cần "sống chung với lũ", linh hoạt ứng phó với mọi vấn đề, sẵn sàng mở cửa trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trong một bối cảnh mới, rất nhiều xu hướng du lịch mới đã xuất hiện và chứng minh sức sáng tạo mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh. Tổng giám đốc Sun Group Dương Phú Nam đề xuất gia tăng trải nghiệm cho hành khách, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình "kinh tế đêm", trước mắt là tại một số địa bàn trọng điểm du lịch như Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Đà Nẵng...
|
Từ phía hãng hàng không, Giám đốc Điều hành Vietjet Đinh Việt Phương nhận định hàng không thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch. Trước dịch Covid-19, Vietjet khai thác hơn 400 chuyến bay mỗi ngày với 140 đường bay trong nước và quốc tế. Chỉ tính riêng năm 2019, Vietjet đã chuyên chở hơn 25 triệu khách trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Hãng hàng không này cam kết sẽ đồng hành cùng du lịch bằng cách tiếp tục tăng tần suất các chuyến bay, mở thêm các đường bay mới, đưa du khách tới các điểm đến, giới thiệu hình ảnh đẹp nhất của du lịch Việt Nam với du khách, hàng triệu vé 0 đồng đã được Vietjet bán ra cùng các chương trình kích cầu du lịch kết hợp với các tỉnh, thành phố, khu vực, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch.
Khi Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, nhanh chóng ổn định các hoạt động kinh tế, du lịch, Vietjet tin rằng đây chính là cơ hội để thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch nội địa, phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng đón du khách quốc tế trở lại với thông điệp "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".
Đại diện Vietjet cũng đưa ra một số kiến nghị với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Theo đó, ông Đinh Việt Phương đề xuất cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ về thuế, miễn giảm các loại thuế phí đối với dịch vụ hàng không, du lịch, các gói tài chính ưu đãi của Chính phủ dành cho doanh nghiệp chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển, lĩnh vực du lịch hầu hết là tư nhân, vì vậy cần có các chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tiếp tục đầu tư.
Thứ hai, sự hợp tác và sáng tạo trong các sản phẩm cũng sẽ tạo ra lợi thế, thu hút được nhiều hơn du khách. Các sản phẩm du lịch nên kết hợp chăm sóc sức khỏe, dưỡng sinh, thể thao, ẩm thực thực dưỡng, bảo vệ môi trường, du lịch bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, di sản nhân loại. Các sản phẩm du lịch dành cho khách quốc tế kết hợp giữa cách ly và nghỉ dưỡng sẽ là đột phá trong thời gian tới khi mùa đông sắp đến với các quốc gia lân cận chúng ta. Xem xét mở lại đường bay thương mại với các điểm đến quốc tế có kết quả tốt trong phòng chống dịch.
Biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch cũng phải được đặt là ưu tiên hàng đầu, Giám đốc Điều hành Vietjet nhấn mạnh. Tuy nhiên, để phát triển du lịch cần có sự quyết tâm rất lớn vào cuộc của chính quyền các địa phương có vị thế quan trọng về du lịch tạo hành lang an toàn chống dịch bệnh nhưng cũng là điều kiện cho du lịch địa phương phát triển trở lại.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra một số điểm muốn ngành du lịch, hàng không lưu ý. Đầu tiên là phải tập trung hướng đến chất lượng, đảm bảo chất lượng tốt ở tất cả các phân khúc du lịch. Thứ hai, cần phải tái cơ cấu để chủ động hơn về nguồn khách, tập trung nhiều hơn vào du lịch nội địa với thị trường hơn 100 triệu dân, làm sao để người Việt được trải nghiệm những sản phẩm cao cấp mà trước đây dành cho du khách nước ngoài.
An toàn là một trong những nội dung mà Phó Thủ tướng nhấn mạnh ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần lưu ý. Không chỉ an toàn trong công tác phòng chống dịch mà còn phải đảm bảo an toàn nói chung, an toàn về sức khỏe. Ngành du lịch cũng là ngành cần thiết và có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi số và chuyển đổi số rất nhanh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt cho Chính phủ kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia để tạo ra nền tảng số dùng chung cho cả ngành du lịch. "Cùng nhau, người Việt Nam sẽ làm được những điều tưởng như không thể", Phó Thủ tướng kết luận hội nghị.
Bình luận (0)