Doanh nghiệp kể chuyện vượt bão Covid-19 thành công

12/10/2020 17:30 GMT+7

Có những cú “bẻ lái” hết sức ngoạn mục, nhưng cũng chứa đựng không ít rủi ro. Các doanh nghiệp đã chống chọi thế nào để tồn tại trong bão Covid-19 ?

Sáng 12.10, báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm vượt "bão" Covid-19 và những đề xuất từ các doanh nghiệp” tại trụ sở báo. Phát biểu khai mạc, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người Lao Động, dẫn con số 21.000 doanh nghiệp đã phá sản, phần lớn do ảnh hưởng của đại dịch và cho rằng, nỗ lực xoay sở vượt khó, có sáng kiến đột phá của doanh nghiệp để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh là điều đáng trân trọng.

Chuyển từ nghề “chém gió” sang sản xuất

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt, cho biết, khi đại dịch Covid-19 đến, công ty đã chuyển từ chuyên làm dịch vụ ở phân khúc cao cấp, khách quốc tế sang phục vụ khách nội địa và vẫn tồn tại được với bí quyết không bỏ trứng vào một giỏ. Chẳng hạn, chuyển đổi từ khách đi du lịch theo đoàn lớn trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sang tour nhóm nhỏ từ 4 - 8 khách, vẫn phục vụ đầy đủ các dịch vụ ăn uống, giải trí kèm trên tàu. Nhờ vậy, khách sạn 5 sao trong dịch vẫn đón khách liên tục.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc "bẻ lái" của mình vì tình thế nhưng tận dụng được nhiều cơ hội rất tốt

Nằm trong dòng xoáy bị “điêu đứng” vì dịch, ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, kể công ty có cả ngàn nhân sự làm việc cho chuỗi lữ hành, nhà hàng, khách sạn… Để cầm cự, họ phải bán từng cái nhà, bán từng chiếc xe… nhưng dịch vẫn chưa thấy hồi kết thúc. Thế rồi, họ quay sang bán thanh long, dưa hấu giải cứu, bán gạo, sản xuất nước rửa tay bán nhưng việc nhập mua vòi cho chai nước rửa tay không dễ…
“Cuối cùng, chúng tôi làm khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và hiện tại là găng tay. Máy móc để sản xuất các sản phẩm này trong đại dịch giá cao gấp 10 lần ngày thường mà phải trả trước 100% mới nhập được, phải nhờ người khác đứng tên vay tiền vì doanh nghiệp du lịch lúc đó doanh thu lấy đâu mà xin vay, ai cho vay? Đến nay, Công ty Ecom Net chuyên sản xuất đồ dùng y tế của chúng tôi đã được đầu tư 100 tỉ đồng, sản xuất đồ bảo hộ y tế, khẩu trang, găng tay chống dịch, đã có bộ tiêu chí sản phẩm để xuất khẩu và đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho 362 bệnh viện tại Mỹ… Nói nghe đơn giản, nhưng quá trình chuyển đổi là quá trình cực kỳ gian khó, chúng tôi chuyển từ nghề du lịch, chỉ chuyên “chém gió” sang sản xuất sản phẩm. Đến nay, công ty cơ bản đang dần ổn định”, ông Long cho biết.
Ở mảng bất động sản, ông Võ Văn Khang, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, chia sẻ dù Covid-19 đến bất ngờ, hơn 630 doanh nghiệp bất động sản phá sản, nhưng nhờ phân vùng khách hàng, áp dụng chuyển đổi số nên các hoạt động, kênh liên lạc nội bộ và khách hàng diễn ra liên tục, đạt hiệu quả. Trong đại dịch, các công ty cắt giảm nhân sự nhưng nhân sự của Hưng Thịnh tăng 8% so cùng kỳ năm ngoái.

Thuê khách sạn 5 sao để chuyên gia Mỹ cách ly

Còn ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T, kể trong đại dịch, mặt bằng bị trả lại nhiều, công ty đã thuê được mặt bằng giá tốt, thời gian dài để mở quán cà phê cũng như cửa hàng bán trái cây tươi… Ông Tùng nói: “Dịch rồi cũng có lúc phải hết, chưa hết chúng ta phải chọn giải pháp sống chung, vì các nền kinh tế vẫn phải mở cửa trong tâm thế bảo đảm an toàn. Thế giới vẫn phải sống, tồn tại và phát triển. Chúng tôi tâm niệm vậy nên cố gắng đón đầu cơ hội, nhỡ khi có việc trở lại, guồng máy vẫn hoạt động tốt. Nhân đây, chúng tôi bày tỏ lòng cảm kích Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã nỗ lực tạo điều kiện, đưa chuyên gia Mỹ về bằng máy bay riêng, có phòng khách sạn 5 sao theo yêu cầu của họ để họ cách ly và làm việc ngay sau khi hết thời gian cách ly. Vì nếu không có chuyên gia Mỹ giám sát trong công tác chiếu xạ, trái cây không thể xuất đi Mỹ được”.
Còn ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG), cho biết trong thời gian dịch, công ty ông vẫn mạnh dạn nhập khẩu nguyên liệu dù có thể gặp rủi ro. "Chúng tôi có nhà máy chuyên in tem công nghệ cao bảo mật với 500 tập đoàn lớn đang dùng giải pháp chống giả của chúng tôi. Dịch bùng phát, hàng giả càng nhiều, nhất là ở sản phẩm khẩu trang. Trong khi đó, nếu không có con tem chống hàng giả dán vào sản phẩm thì người tiêu dùng không biết để mua", ông Hồng lý giải thêm cho quyết định liều lĩnh của mình.
Trong phần kiến nghị, ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, phản ánh dù Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành để giảm lãi vay cho doanh nghiệp song thực tế, thời gian qua chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được vốn vay với lãi suất giảm. “Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cố gắng đưa lãi suất hợp lý đến tay doanh nghiệp như là một giải pháp tiếp sức trong giai đoạn này”, ông Thiện nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.