'Doanh nghiệp kháo nhau thuê cơ quan phê duyệt làm ĐTM thì thông qua rất nhanh'

04/09/2020 11:21 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng khi các giấy phép về môi trường đều dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì cần thế nào để đảm bảo tính minh bạch của việc thông qua báo cáo này.

2 phương án tích hợp thủ tục hành chính về môi trường

Sáng 4.9, Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất tích hợp 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính trong một giấy phép về môi trường chung do Bộ TN-MT cấp, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi hiện do Bộ NN - PTNT cấp.
Theo báo cáo một số nội dung lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban KHCN - MT Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày tại hội nghị, do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Theo đó, phương án 1 là tích hợp một loại giấy phép môi trường, gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế cho 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.
Còn phương án 2 là vẫn có giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện.
Theo ông Dũng, báo cáo của Bộ TN - MT cho rằng, tích hợp theo phương án 1 sẽ giải quyết được nhiều vấn đề vì các giấy phép này đều được cấp dựa trên báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cơ bản giống nhau.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN - MT của Quốc hội

Ảnh Gia Hân

Bên cạnh đó, việc phân cấp cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của ngành NN - PTNT đang dựa trên phân cấp quản lý công trình, không theo quy mô xả thải của doanh nghiệp. Nếu thực hiện thủ tục hành chính này thì sẽ khó thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trong khi đó, ý kiến ủng hộ phương án 2 thì cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi (Bộ NN - PTNT) sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Ngoài ra, nội dung này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình tiếp thu khi xây dựng luật Thủy lợi vào năm 2017. Bộ NN - PTNT báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017.

Cấp giấy phép nghĩa là kèm theo thanh tra, kiểm tra

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (đoàn Bến Tre), Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN - MT, ủng hộ việc tích hợp các giấy phép, thủ tục vào một loại giấy phép môi trường duy nhất vì cho rằng các căn cứ của các loại giấy phép này đều giống nhau.
Cũng theo đại biểu đoàn Bến Tre, việc quản lý nước thải trong các giấy phép này về bản chất cũng giống nhau, điều này có nghĩa nội dung xả nước thải hiện đang chịu quản lý bởi 2 thủ tục hành chính khác nhau mà có nội dung tương đồng và trên thực tế đã xảy ra trường hợp các giấy phép này có yêu cầu khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Qua giám sát thì doanh nghiệp phản ánh rất nhiều. Khi đã cấp giấy phép thì có nghĩa đi kèm cái đó là kiểm tra, thanh tra và như vậy có nhiều ngành kiểm tra, thanh tra kết luận nhiều nội dung giống nhau”, đại biểu Thủy nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre)

Ảnh Gia Hân

Từ đó, bà Thủy cho rằng, phân mảng như hiện nay không phù hợp với cách tiếp cận quản lý tổng hợp môi trường nước mà đa số các quốc gia đang thực hiện. “Tôi ủng hộ tích hợp để giảm thủ tục hành chính”, đại biểu Bến Tre nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc tích hợp sẽ có nhiều ý nghĩa, vừa góp phần giảm thủ tục hành chính và phiền hà cho doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm quản lý, tuân thủ nguyên tắc một cơ quan chịu trách nhiệm chính, đồng thời đảm bảo tiếp cận quản lý tổng hợp đối với môi trường.
“Đây là 3 mục tiêu chính toát lên trong việc tích hợp giấy phép xả thải môi trường trong báo cáo của Chính phủ. Tôi rất đồng tình”, ông Cương nêu.
Tuy nhiên, đại biểu Ninh Thuận cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, tất cả giấy phép xả thải nguồn nước và thủy lợi đều dựa trên ĐTM.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp kháo nhau, làm báo cáo ĐTM nếu thuê chính cơ quan phê duyệt thì thông qua rất nhanh. Làm thế nào để chống tiêu cực trong việc này vì tất cả giấy phép đều dựa trên ĐTM. Mong Chính phủ quan tâm về vấn đề này”, ông Cương nêu và cho rằng đây là vấn đề làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch.
Ông Cương cũng đề nghị, trong nghị định hướng dẫn thực hiện cần làm rõ hơn, rất cụ thể, nhất là giữa chức năng các bộ khác nhau, liên quan các luật trước cũng cần có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Tuy nhiên, không đồng tình với 2 đại biểu trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, luật Thủy lợi quy định Bộ NN - PTNT là cơ quan chịu trách nhiệm chất lượng nguồn nước trong các công trình thủy lợi, do đó, Bộ NN - PTNT phải là cơ quan cấp giấy phép này.
Đại biểu Bình đồng tình với phương án 1 là tách riêng giấy phép xả thải vào công trình thủy lợi ra khỏi giấy phép về môi trường để Bộ NN-PTNT quản lý, cấp phép.
Cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, dù tích hợp thì ngành nông nghiệp vẫn phải là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm và chất lượng, số lượng nước trong các công trình thủy lợi.
"Chúng ta phải xem xét lại xem phối quản giữa 2 bộ thế nào chứ không chỉ là chuyện tích hợp. Không hẳn tích hợp mới liên thông vì có nhiều cơ chế để đảm bảo sự liên thông", ông Tùng nhấn mạnh.
7 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường được đề nghị tích hợp:
- Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường
- Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (quy định tại luật Tài nguyên nước)
- Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (quy định tại luật Thủy lợi)
- Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại
- Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại
- Giấy phép xả khí thải công nghiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.