Doanh nghiệp khó chồng khó vì thiếu vốn, lãi cao

18/02/2023 06:52 GMT+7

Nhiều DN có quy mô vừa và lớn, chiếm đến 40% lượng tiêu thụ của một sản phẩm trên cả nước, đã có thương hiệu mấy chục năm, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện cũng quá khó khăn về tài chính và đang bị DN nước ngoài săn mua.

Tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành vẫn đang phát triển tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành lương thực thực phẩm vốn kết hợp với ngành nông nghiệp luôn ở mức thấp. Đã thế hiện nay, lãi suất (LS) cho vay của ngân hàng (NH) trên 10%/năm khiến cho lợi nhuận của các công ty bị hạ xuống đến 50 - 70% so với trước. Thậm chí, nhiều DN có quy mô vừa và lớn, chiếm đến 40% lượng tiêu thụ của một sản phẩm trên cả nước, đã có thương hiệu mấy chục năm, đầu tư công nghệ tiên tiến nhưng hiện cũng quá khó khăn về tài chính và đang bị DN nước ngoài săn mua.

Doanh nghiệp khó chồng khó vì thiếu vốn, lãi cao - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị

Nguyễn Hoàng

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết năm nay vấn đề này quá gian nan. Nhiều NH thẩm định lại hồ sơ và đánh giá lại giá trị tài sản chỉ còn 50 - 60% so với trước đây nên hạn mức cho vay giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều quy định cho vay siết chặt hơn, LS quá cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 - 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc. Vì vậy, ông Việt kiến nghị các NH cần linh hoạt hơn khi cho vay, nhất là với các DN vẫn đang gặp khó vì tình hình kinh tế chung, không chuyển DN vào nhóm nợ xấu... "Nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng, tối thiểu, nếu trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu", ông Việt lo lắng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM - đại diện cho các DN hội viên, cho biết cộng đồng DN đang đối diện với hàng loạt khó khăn như lượng tiêu thụ giảm rõ rệt (hàng xuất khẩu đi châu Âu đã giảm tới 60%, trong khi Mỹ giảm 30 - 40%), tồn kho tăng lên chiếm 20 - 25% dẫn đến quý 4/2022 và quý 1/2023 khách hàng hạn chế hoặc không đặt đơn hàng mới. Hệ quả là nhiều DN đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất cuối năm 2022. Do biến động trái phiếu và việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ cho thấy nền kinh tế thiếu tính thanh khoản; nhà đầu tư có dấu hiệu bị suy giảm niềm tin nên khả năng huy động vốn sụt giảm. Chính sách điều hành và kiểm soát rủi ro tín dụng của NH Nhà nước mang tính "giật cục". Chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện, vì một số DN lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra. LS vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của DN.

"NH Nhà nước cần huy động các nguồn vốn hiện có trong xã hội đưa vào kinh doanh nhằm hạ LS vay. Thậm chí, việc khống chế tỷ lệ biên độ lãi ròng (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các NH thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế", ông Hòa đề xuất.

Chính sách, quy định gây khó cho DN

Bên cạnh đó, các DN cũng nêu ra một số vấn đề vẫn còn tồn đọng đã gây khó khăn cho hoạt động.

Như ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, cho rằng nhiều DN đã được TP phê duyệt hỗ trợ LS theo chương trình kích cầu nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa nhận được. Thậm chí, có hội viên chia sẻ họ phải bán nhà trả nợ cho NH, để DN không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Hoặc có đơn vị phải đang đàm phán để bán luôn cho các DN nước ngoài nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ.

Kết luận hội nghị, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh sau đại dịch Covid-19, lực lượng DN đã vươn lên rất mạnh mẽ, nhưng khó khăn lại ập tới. Bí thư Nguyễn Văn Nên cam kết TP cùng DN tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số. Chương trình cho vay kích cầu đầu tư của TP đã thực hiện gần 20 năm cần phải có cơ chế mới để hỗ trợ DN trong bối cảnh mới. Các vấn đề mà DN đề ra như nguồn nhân lực, môi trường vệ sinh từ nhà hàng quán ăn đến đường phố, văn hóa an ninh an toàn hay đẩy mạnh kết nối các vùng sẽ được đẩy mạnh thực hiện. TP đang soạn thảo văn bản kiến nghị T.Ư cho phép cơ chế thí điểm những vấn đề chưa có quy định, các chính sách đột phá để khuyến khích cá nhân, DN sáng tạo, đổi mới, dám làm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Các vấn đề thuộc thẩm quyền của T.Ư như chính sách NH, thuế thì TP tiếp thu và sẽ đề xuất. Những vấn đề của TP tồn tại lâu phải khắc phục nhanh".

TP cần đơn giản hóa thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó tập trung giảm bớt các công đoạn thẩm định hồ sơ; thực hiện thiết chế pháp lý để giảm khoản chi phí không chính thức. Cần xem xét mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay từ Chương trình kích cầu đầu tư để chương trình có hiệu quả lan tỏa và DN được tiếp cận với nguồn vốn thuận lợi hơn. Xem xét lại chính sách cho thuê đất, tạo điều kiện cho DN được thế chấp giá trị đất thuê và tài sản trên đất thuê để vay NH.

(Theo kiến nghị của Hiệp hội DN TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.