Trước hành động nông nổi đốt bằng cử nhân của một cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đại diện một số doanh nghiệp cho biết không quan trọng chuyện này. Nhưng sẽ có đánh giá về thái độ của người ứng tuyển.
Nhà tuyển dụng sẽ tò mò với ứng viên này!
Chúng tôi đặt ra câu hỏi cho đại diện doanh nghiệp là sẽ có phản ứng thế nào nếu biết trước người ứng tuyển là người đốt bằng cử nhân này? Các doanh nghiệp đều cho rằng đây là vấn đề khá thú vị.
Anh Trần Việt Quân, Giám đốc Công ty CP ứng dụng Công nghệ xanh, cho biết nếu ứng viên có năng lực thì nhận bình thường. Lý do là cách tuyển dụng của công ty lâu nay không quan tâm nhiều đến bằng cấp. Biết trước chuyện này của ứng viên thì đó chỉ là thông tin tham khảo để biết thêm tính cách của người muốn tuyển chứ không ảnh hưởng gì nhiều.
Bùi Hoàng Diệp, Giám đốc điều hành công ty Lion Bui Agency, cũng khẳng định: “Với vai trò nhà tuyển dụng, tôi đánh giá nhân sự tuyển vào có thực sự phù hợp với công việc mình đang tuyển hay không, về trình độ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ... Đánh giá con người không qua một hành vi nào đó, góc nhìn sự việc mà phải là cả một quá trình. Vì ở góc độ tuyển dụng, nếu bạn đó phù hợp và đạt được các tiêu chuẩn yêu cầu, lại ham học hỏi, có đam mê trong công việc của mình đang tuyển thì tôi vẫn sẽ tuyển. Biết trước chuyện này, đánh giá về thái độ thì tôi sẽ kiểm tra bằng câu hỏi đòi hỏi tư duy chứ không ảnh hưởng đến việc đánh giá”.
Thậm chí, Nguyễn Khoa Hồng Thành, đồng sáng lập công ty Isobar Vietnam, cho rằng đây là chuyện cá nhân, quan trọng là năng lực của ứng viên. Đôi khi có cá tính như vậy cũng hay. Đôi với công ty thiên về sáng tạo, người tuyển dụng sẽ thấy tò mò, tìm hiểu lý do vì sao lại có hành động này. Có khi ứng viên này lại dễ được nhận vào làm hơn bởi quyết tâm và tham vọng đã thể hiện khi muốn độc lập kinh doanh, không phụ thuộc gia đình . Công ty cũng chưa bao giờ hỏi đến bằng của ứng viên xin việc. Trong đội ngũ nhân viên, còn có người đến 9 năm sau khi đi làm mới lấy được bằng.
Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Phó Giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam, cho biết với anh, đây là điểm cộng của ứng viên nếu mình tuyển dụng! Tất nhiên việc nhận vào làm còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Nhưng chuyện này sẽ không gây bất lợi cho ứng viên trong việc đánh giá của các doanh nghiệp.
Nhà trường sẵn sàng cấp bản sao văn bằng
GS.TS Lê Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết hiện tại cũng không muốn nói nhiều về chuyện này vì có ảnh hưởng nhất định đến trường. Tuy nhiên, như đã trao đổi với cựu sinh viên này, trường vẫn luôn bao dung trước hành động nông nổi này.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Thiện Duy, Trưởng phòng Công tác chính trị, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho biết nếu sau này T. khó khăn khi xin việc, trường vẫn sẵn sàng cấp bản sao bằng tốt nghiệp nếu T. có nhu cầu và gia đình có ý kiến.
GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Y khoa Gravan (Úc), cho biết ngay cả ở nước ngoài, những nước tự do hơn, cũng rất hiếm khi nào thấy sinh viên đốt bằng cấp. Đó là một chứng từ quan trọng trong đời người. Hành động này rất bậy. Có thể chính những người đốt bằng không biết họ làm gì (từ tiềm thức), mà chỉ muốn thể hiện sự tuyệt vọng hay khinh bỉ. Nhưng nó phản ánh sự loạn chuẩn đạo đức xã hội và đạo đức học thuật.
|
“Ngày xưa, bằng tú tài đã là trân quí lắm rồi. Đến cử nhân thì coi như “ông cử” hay “bà cử”. Một phần là thời xưa học hành đàng hoàng, nghiêm chỉnh, rất khó tốt nghiệp. Còn ngày nay, ra trường với cái bằng cử nhân có khi làm việc thư ký hay thậm chí bồi phòng trong khách sạn (tôi đã gặp). Sinh viên có khi thấy cái bằng đó không cần thiết cho họ đi xin việc làm” – ông Tuấn nói.
Bình luận (0)