Doanh nghiệp không thể hay không dám vay vốn ngân hàng ?

18/04/2023 06:31 GMT+7

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong quý 1 chậm hơn nhiều so với năm trước. Lãnh đạo ngân hàng cho rằng nhiều DN không dám vay vốn vì kinh tế khó khăn nhưng đa số DN phản ánh, họ không tiếp cận được vốn tín dụng và vì lãi suất quá cao nên không dám vay.

Tăng trưởng tín dụng của TP.HCM THẤP HƠN TRUNG BÌNH CẢ NƯỚC

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20.3, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 1,61%. Thế nhưng tính đến cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin các ngân hàng (NH) cho vay tăng lên 2,06%. Như vậy, dư nợ của nền kinh tế lên khoảng 12,17 triệu tỉ đồng. So với thời điểm cuối năm 2022, hệ thống NH bơm ra thị trường khoảng 245.600 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng tháng 3 lên đến 143.700 tỉ đồng. 

Riêng tại TP.HCM, tăng trưởng tín dụng tháng 3 có tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng đầu năm, lên 1,37%, nâng mức tín dụng trong quý 1/2023 tăng 1,25%, còn tín dụng của 2 tháng trước đó tăng khá chậm. Song gộp chung thì mức tăng của quý 1 thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Con số này phản ánh bức xúc khó tiếp cận vốn của cộng đồng DN lâu nay.

Doanh nghiệp không thể hay không dám vay vốn ngân hàng ? - Ảnh 1.

Cần sớm nhanh giảm lãi suất vay để hỗ trợ kinh tế.

NGỌC THẠCH

Thừa nhận tín dụng NH giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng chỉ số tăng trưởng tín dụng hằng tháng, từng năm cũng phản ánh và liên hệ trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, đến sự phát triển của DN và các thị trường, ngược lại những diễn biến này cũng phản ánh và tác động đến tăng trưởng tín dụng. 

Với ý nghĩa đó, tín dụng trên địa bàn TP quý 1/2023 tăng 1,25% thấp hơn cùng kỳ các năm trước, theo ông Lệnh là do tăng trưởng kinh tế TP thấp (GRDP quý 1/2023 tăng 0,7%). DN, đặc biệt là DN xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sụt giảm, vì vậy nhu cầu tín dụng thấp. Bên cạnh đó tín dụng tăng thấp còn do yếu tố thời vụ. Quý 1 là dịp Tết cổ truyền âm lịch nên tín dụng tháng 1 giảm 0,48%; tháng 2 tăng trưởng trở lại, tăng 0,37% và tháng 3 tăng trưởng cao nhất 1,37%.

Là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng đến hết tháng 3, tín dụng tại TP.HCM chỉ tăng 1,25%, tín dụng bất động sản (BĐS) chỉ tăng 0,71%. Những con số này theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng là bức tranh ngược so với nền kinh tế. "Rõ ràng, cơ chế chính sách thanh khoản của hệ thống như nhau nhưng tại sao TP.HCM lại chậm như vậy? Hơn 70% khó khăn của ngành BĐS là do vấn đề về pháp lý, chính sách. Tháo gỡ được chính sách cho BĐS thì cấu phần này của TP.HCM sẽ tự động tăng lên", bà Nguyễn Thị Hồng đặt vấn đề tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM cuối tuần qua.

CUNG - CẦU VỐN CHƯA GẶP NHAU

Vì sao tín dụng tại đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp? Do DN quá ốm yếu, không thể hấp thụ hay tiếp cận không được? Trao đổi với Thanh Niên, bà Lâm Thúy Ái - Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại MEBIPHA, lý giải: DN vay thì phải trả nợ mà sức mua trên thị trường yếu thì các DN phải tính toán có nên vay NH hay không. 

Bà Ái thừa nhận trong thời điểm hiện nay, ngoài sức mua trên thị trường thấp, nhu cầu vay vốn của DN ít đi thì bản thân các NH cũng là đơn vị kinh doanh nên cũng thận trọng. Tuy nhiên, lý do chính theo bà Lâm Thúy Ái: Không phải DN không cần tiền, mà họ khó tiếp cận hoặc tiếp cận với mức lãi suất vay cao nên không dám vay. 

"Năm 2021, các NH cho phép DN được giãn nợ nên nhóm nợ được giữ nguyên, NH không điều chỉnh nhảy nhóm nợ khách hàng, đồng nghĩa lãi vay không tăng, DN không bị phạt. Thế nhưng qua năm 2022, khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các DN phải trả khoản nợ này đúng ngày. Thời điểm hiện nay cũng đang thật sự khó khăn, một DN không có dòng tiền trả nợ cho đối tác cũng có thể dẫn đến nợ quá hạn. Chính vì vậy, nếu được, ngành NH nên cho phép khách hàng bị rơi vào hoàn cảnh "ngặt" dòng tiền trong vòng vài tháng, chưa trả được nợ ngay có thể giãn trả nợ mà không bị nhảy nhóm. Biết rằng NH hiện nay không thể hạ chuẩn cho vay nhưng nếu không có giải pháp cứu DN, khách hàng thời điểm này thì không thể kéo DN tồn tại duy trì hoạt động được", bà Lâm Thúy Ái kiến nghị.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nêu ý kiến: Để giải quyết bài toán tín dụng, thúc đẩy vốn cho nền kinh tế, cần giảm lãi suất vay xuống cũng như có thêm những giải pháp hỗ trợ kinh tế rõ ràng hơn. Chẳng hạn, lãi vay của DN hiện nay đang ở mức 11 - 12%/năm thì nhà nước hỗ trợ lãi vay cho DN vay thấp hơn. Hoặc có thể giãn nợ cho DN, nếu không nợ xấu sẽ gia tăng nhanh. Với những chính sách tiền tệ đang triển khai hiện nay thì có thể phát huy tác động đến tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế từ quý 3.

Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, cho biết nhiều DN dệt may đang đối diện với tình trạng thiếu dòng tiền trả nợ. Nếu không xử lý sẽ bị rơi vào nhóm nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy khác, do đó DN cần chính sách hỗ trợ, đặc biệt là giữ nguyên nhóm nợ. Theo ông Việt: "Trong bối cảnh đặc biệt, cần có chính sách linh hoạt hơn về điều kiện cho vay. Nếu vẫn giữ như trong bối cảnh bình thường, DN sẽ gặp khó trong tiếp cận vốn", ông Việt nói.

Trước nghịch cảnh tăng trưởng tín dụng chậm, DN thì cần tiền, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định đó là tình trạng cung - cầu vốn không gặp nhau. NH có tiền nhưng không cho vay được, DN lại có nhu cầu vay tiền. Rào cản cho tăng trưởng tín dụng ở đây còn đến từ lãi suất vay ở mức quá cao, quá sức chịu đựng của khách hàng, nhất là những DN sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, tâm lý NH sợ cho vay thời điểm qua do mức độ rủi ro trên thị trường tăng cao. DN mất thanh khoản thì vay bất chấp lãi suất nào, còn những DN làm ăn tốt thì thấy lãi vay cao không vay, thay vì vậy họ lại có tâm lý tạm ngưng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng để tránh rủi ro.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.