Lèo lái doanh nghiệp có hơn 4.000 cán bộ công nhân viên và duy trì hoạt động ổn định trong giai đoạn dịch Covid-19, bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát đã có những chia sẻ kinh nghiệm cũng như giải pháp ứng phó.
Bắt tay nhau, giá thành sẽ giảm
Riêng các đối tác, Tân Hiệp Phát (THP) có những chia sẻ nào trong thời điểm dịch?
Trong mùa dịch, mỗi doanh nghiệp (DN) đối mặt với khó khăn khác nhau nên các giải pháp hỗ trợ lẫn nhau cũng đa dạng như kéo dài công nợ, thời gian thanh toán… Một trong những vấn đề quan trọng nhất mà THP thấy hướng ra là tìm cách thích nghi với tình trạng bình thường mới, đưa ra các sản phẩm phù hợp phục vụ người tiêu dùng cuối cùng.
Các DN cùng bắt tay nhau tìm ra giải pháp để có những sản phẩm chi phí thấp, giá thành tốt hơn. Đơn cử như người tiêu dùng vẫn có nhu cầu sử dụng sản phẩm nhưng cần giá trị hiệu quả hơn, chúng tôi đã chuyển hướng sang bao bì chai lớn. Khi 1 chai lớn có giá thành thấp hơn 2 chai nhỏ thì được thị trường đón nhận tốt hơn.
Quan sát thời gian vừa qua nhiều DN phá sản, đặc biệt có những DN đã hoạt động từ 5 - 10 năm chứ không đơn giản là những DN mới thành lập hay hoạt động được vài năm. Theo bà, DN cần làm gì trong giai đoạn này?
Từ những thông tin đầu tiên về Covid-19, không ai nghĩ dịch sẽ kéo dài, từ tết đến tháng 4 và tiếp tục tái dịch cho đến bây giờ. Nhiều DN cứ nghĩ sẽ kết thúc sớm nên cố thêm 1 tháng. Nhưng theo các phân tích và thông tin toàn thế giới, việc chấp nhận sự “bình thường mới” và có giải pháp bền vững cho DN là nhu cầu cần thiết.
|
Giải pháp bền vững ở đây có nghĩa là có thể thích nghi khi dịch kéo dài từ 12 - 24 tháng, do đó không thể lên kế hoạch thêm 1 tháng, rồi thêm 1 tháng nữa. DN vẫn phải tìm ra giải pháp cuối cùng phục vụ người tiêu dùng để tạo doanh thu, chứ việc gia hạn thêm hợp đồng, thanh toán chậm… chỉ là giải pháp ngắn hạn.
DN mới thành lập thời điểm này sẽ rất khó khăn, bởi nhiều DN đã hoạt động 5 - 10 năm mà còn không trụ nổi.Trong một số trường hợp, DN quyết định phá sản là giải pháp tối ưu nhất bởi không chỉ là vấn đề về vốn mà còn các vấn đề liên quan khác. Khi phải đối mặt với các khoản nợ, DN sẽ rất căng thẳng, đặc biệt là nợ lương. Câu hỏi đặt ra là nếu DN phá sản nhân viên sẽ ra sao? Khi DN đã nợ lương nhân viên nhiều tháng, nếu tiếp tục duy trì hoạt động dẫn đến nợ dài hơn thì cũng khó khăn cho cả người lao động. Việc duy trì 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, 1 năm rưỡi cũng không phải giải pháp bền vững nếu DN không tìm hướng để có đầu ra cho sản phẩm hay dịch vụ.
Thích ứng với tình hình “bình thường mới”
Thói quen của người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng mua sắm online, điều này có ảnh hưởng đến hoạt động phân phối sản phẩm của công ty?
|
Từ trước đến nay, kênh phân phối của ngành nước giải khát là các tiệm tạp hóa, quầy nước… Vào thời điểm giãn cách xã hội, các hoạt động này bị hạn chế, mọi người không tụ tập nên ảnh hưởng đến kênh phân phối. Trước khi có dịch, người tiêu dùng ra bên ngoài nhưng khi có dịch, họ ở nhà nhiều hơn, xem các hoạt động online nhiều hơn. Thói quen của người tiêu dùng sau 6 tháng đã thay đổi. Tuy nhiên, để thay đổi hệ thống kênh phân phối sản phẩm dịch vụ đối với một số sản phẩm dịch vụ đặc thù trong thời gian ngắn với chi phí hợp lý cho người tiêu dùng là điều không thể.
Nước giải khát là mặt hàng phục vụ cho hàng chục triệu người nên đòi hỏi kênh phân phối phải rộng khắp, tiện lợi. Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu cửa hàng phân phối các loại nước giải khát. Chúng tôi đang tập trung vào hệ thống phân phối này để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Các chai nước nặng, giá thấp nên chuỗi cung ứng cho sản phẩm này thông qua hệ thống bán hàng online không đơn giản có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Ở một số nước như Nhật, hệ thống bán nước giải khát qua máy tự động phát triển mạnh khi đó là thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Bài toán triển khai máy bán hàng tự động đã được đề cập tại Việt Nam cách đây 10 năm nhưng không phát triển được khi người Việt có thói quen ra hàng quán ngồi uống nước nói chuyện.
Đối với THP, vừa qua chúng tôi đã kết hợp với Yeah1 tung ra chương trình khuyến mãi kích cầu. Đây là chương trình bán hàng kết hợp với công ty công nghệ giải quyết bài toán phục vụ người tiêu dùng. Và sắp tới trong tháng 10 sẽ bùng nổ một chương trình mới.
Vậy thị trường xuất khẩu của công ty có bị ảnh hưởng nhiều hay không, thưa bà?
Một điểm “sáng” trong mùa dịch là doanh thu xuất khẩu của THP tăng 40% và xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng. Đây là bất ngờ trong khi sức mua thị trường trong nước giảm theo tình hình chung. Tôi cũng không rõ tại sao nhưng có thể thị trường quốc tế thấy rằng những sản phẩm của châu Á là giải pháp đến từ tự nhiên nên tăng sử dụng hơn.
Nguyện vọng: “Đóng góp cho sự phồn vinh của xã hội và là niềm tự hào của người Việt Nam bằng cách xây dựng tập đoàn có Thương hiệu Quốc gia lớn mạnh tầm cỡ quốc tế”.
Tầm nhìn: Trở thành tập đoàn hàng đầu ở châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm.
Sứ mệnh: Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng châu Á với mùi vị thích hợp và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thỏa mãn nhu cầu hiện có và tiềm ẩn của khách hàng để trở thành đối tác được ưa chuộng hơn trong kinh doanh.
|
|
Đối với xuất khẩu, trong giai đoạn này, DN chỉ có duy trì các mối quan hệ và khách hàng cũ. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu là điều không dễ vì để mở rộng thị trường nước ngoài, DN phải đi gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc… với đối tác để họ hiểu về DN, sản phẩm và cũng tìm hiểu trực tiếp đối tác.
Quay lại giá trị lớn nhất là con người
Theo bà, với đại dịch Covid-19, sẽ phải mất bao lâu mới có thể quen với tình trạng bình thường mới? Và các công ty sẽ phải có những giải pháp nào để “sống sót”?
Chúng ta sẽ phải tiếp tục đeo khẩu trang, rửa tay, tập thể dục… những thói quen mới bảo vệ cơ thể trong vòng 12 - 18 tháng tới. Dịch Covid-19 kéo dài bao lâu và ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào là câu hỏi lớn, có thể là 12 tháng, nhưng cũng có thể lên 24 tháng.
|
Chẳng hạn, Việt Nam mở cửa lại du lịch, cửa khẩu thì việc đi nhiều như trước đây hay không cũng còn là ẩn số và du lịch mất bao lâu mới có thể quay về việc đón lượng khách như trước.
Giá trị cốt lõi
Thỏa mãn khách hàng
Chất lượng chuẩn quốc tế
Có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội
Không gì là không thể
Làm chủ trong công việc
Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai
Chính trực
|
Hiện nay chúng ta đang “bình thường mới” và giải pháp để “sống sót” là hòa nhịp được, phù hợp với tình hình hiện nay mới có thể bền vững được. Các giải pháp đưa ra phải tồn tại được từ 12 - 24 tháng, chứ không phải giải pháp thêm 1 tháng để từ đó có sự thay đổi về vận hành kinh doanh.
Khi dịch kéo dài thì sẽ tạo một thói quen mới, cách sống mới, chính vì điều đó mà các DN cần thay đổi mục tiêu kinh doanh, cấu trúc tổ chức sẽ phải khác hơn những năm vừa qua. Chiến lược kinh doanh sẽ vẫn dựa vào đầu ra sản phẩm, nếu không họ sẽ co cụm lại, giảm chi phí tối đa để duy trì.
Ví dụ, trước đây DN đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 15%, kế hoạch năm 2020 dự kiến tăng trưởng 15 - 20%, nhưng dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, họ đang “rớt” doanh thu xuống 20 - 30% thì ngay lập tức phải thay đổi toàn bộ kế hoạch.
Trong những thời điểm trước đây công ty có lời thì đẩy mạnh làm dự án mới, chấp nhận mạo hiểm rủi ro nhưng trong bối cảnh hiện nay những hoạt động đầu tư mạo hiểm rủi ro thì DN sẽ dời sang thời điểm khác, thời điểm cần tập trung cái cốt lõi nhất, chi phí hiệu quả nhất. Các dự án đầu tư mạo hiểm rủi ro mới, mở rộng đầu tư đều cân nhắc dời lại 1 năm là tối thiểu.
Doanh nghiệp cũng cần tính toán sao cho giá sản phẩm không được tăng, thậm chí còn phải rẻ hơn, tốt hơn thì mới duy trì được thị trường. Đây là vấn đề khó nhưng bắt buộc phải làm, còn nếu tăng giá thời điểm này là chết.
Mọi người kỳ vọng có vắc xin, kinh tế có nhiều “ánh sáng” hơn nên đã chọn những giải pháp “co cụm, giảm chi phí” để qua được những khó khăn của năm nay, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh vào năm sau. Bà thấy sao về điều này?
|
Đúng là khi nào có vắc xin chống Covid-19, mức độ ảnh hưởng của dịch sẽ giảm nhưng khi nào có vắc xin? DN không thể thụ động ngồi chờ có vắc xin mới có thể triển khai sản xuất kinh doanh, nếu chẳng may dịch kéo dài thêm 12 tháng nữa thì sẽ như thế nào và trong khoảng thời gian đó, DN sẽ phải làm gì.
Ở đây, việc “cố thêm 1 tháng nữa” khác với việc đặt kế hoạch luôn trong vòng 6 - 12 tháng, lúc này DN sẽ phải thay đổi cách làm, vận hành công việc.
Các DN, đặc biệt DN tư nhân, hiện nay có cần những hỗ trợ gì từ chính sách, cơ chế để có thể vượt qua đại dịch hay không, thưa bà?
Mọi người thấy Covid-19 tệ nhưng so với các nước khác, Việt Nam vẫn đang rất tốt, không những còn chỗ làm mà còn được đi lại, mọi sinh hoạt cũng bình thường.
Trong giai đoạn này, điều mà DN đạt được là xây dựng văn hóa, tổ chức và quay về giá trị lớn nhất là con người. Con người có tinh thần, tư duy, cải tiến tốt sẽ thật sự đóng góp, trách nhiệm trong công việc. Khi họ có tư duy tốt thì những thời điểm khó khăn, họ cảm nhận chỗ làm như là gia đình mình. Mọi người cũng phải dựa vào nhau, cùng nhau tìm ra giải pháp, chia sẻ và cùng làm.
THP được thành lập năm 1994, tiền thân là Nhà máy bia Bến Thành. Sau 26 năm thành lập, THP là một trong những tập đoàn cạnh tranh với các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực nước giải khát tại Việt Nam.
Các sản phẩm nước giải khát của THP trên thị trường được người tiêu dùng lựa chọn như nước tăng lực Number 1, Trà xanh Không Độ, Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà sữa Macchiato Không Độ, Nước tăng lực Number 1 Chanh, Dâu, nước ép trái cây Number 1 Juice, sữa đậu nành Number 1 Soya, sữa đậu xanh Number 1 Soya, nước tinh khiết Number 1, nước uống vận động Number 1 Active, trà Ô Long Không Độ Linh Chi, Trà Bí đao collagen…
|
Bình luận (0)