Quy định khống chế lãi vay 20% tại Nghị định 20/2017 của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tiếp tục được phản ánh tại hội nghị đối thoại chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 28.11.
Chặn đầu tư, gây thiệt hại tiền tỉ cho DN
Đại diện Công ty CP thủy sản Hải Nam cho biết, đơn vị đầu tư theo chuỗi giá trị khép kín, để đảm bảo chiết xuất nguồn gốc theo xu hướng của thế giới. Việc thành lập công ty con, hình thành hệ sinh thái trong ngành thủy hải sản là mục tiêu lâu dài và rất tốn kém. Quy định khống chế lãi vay không được quá 20% khiến những công ty đang đầu tư mở rộng, đổi mới công nghệ, cần nguồn vốn lớn, dẫn đến lãi vay lớn, vượt quá mức khống chế trên nhưng lại không được tính vào chi phí.
Chưa hết, quy định này còn gây ra những bất hợp lý so với chính sách khác của nhà nước như ưu đãi miễn giảm thuế đối với đầu tư mở rộng. “Quy định khống chế lãi vay cản trở hoạt động đầu tư, chưa tạo ra được sự công bằng. Kiến nghị nhà nước điều chỉnh cho doanh nghiệp (DN) trong nước trong hoạt động giao dịch, miễn áp dụng đối với các DN đang đầu tư mở rộng để tránh mâu thuẫn với chính sách ưu đãi mở rộng, tạo sự công bằng trong áp dụng Nghị định (NĐ) 20”, đại diện Công ty CP thủy sản Hải Nam nói.
Đại diện Công ty CP XNK tổng hợp Bình Phước (BIGIMEXCO) bức xúc cho biết, NĐ 20 đã gây thiệt hại tiền tỉ cho công ty. Cụ thể vào tháng 7.2017, BIGIMEXCO góp vốn thành lập Công ty Quốc Toản để sản xuất chế biến cao su bán cho BIGIMEXCO. BIGIMEXCO và Công ty Quốc Toản là 2 DN nội địa, không có vốn đầu tư nước ngoài, không có yếu tố nước ngoài liên quan. Giá mua bán cao su giữa 2 công ty bằng giá mua bán đối với nhà cung cấp độc lập trên thị trường.
Thuế suất thuế thu nhập DN của 2 công ty đều bằng 20%, nộp thuế đầy đủ và không có rủi ro về thuế. Theo NĐ 20, 2 công ty có quan hệ liên kết nhưng 2 công ty không có thỏa thuận về chi phối trong điều hành kinh doanh, tổ chức bộ máy công ty.
Các giao dịch liên kết của 2 DN bảo đảm đúng bản chất thương mại, kinh tế, tài chính như các giao dịch độc lập. Dẫn chứng điều này, vị đại diện BIGIMEXCO thông tin tỷ lệ doanh thu của Công ty Quốc Toản so với BIGIMEXCO chỉ chiếm 2,78 - 6,61% trong năm 2017 và 2018 cho thấy Công ty Quốc Toản không phải đối tác tạo ra ảnh hưởng trọng yếu đến doanh thu, lợi nhuận, tiền thuế thu nhập DN của BIGIMEXCO. Ngay cả khi BIGIMEXCO không mua hàng của Công ty Quốc Toản thì sẽ vẫn vay ngân hàng để đảm bảo kế hoạch. Thế nhưng khi đoàn thanh tra vào đã căn cứ mức khống chế lãi vay và xuất toán toàn bộ chi phí lãi vay của năm 2017, 2018. Từ đó không giảm chi phí lãi vay ngân hàng khi tính thuế thu nhập DN hơn 52,7 tỉ đồng, làm tăng số thuế phải nộp của năm lên hơn 10,5 tỉ đồng, phát sinh tiền chậm nộp hơn 815 triệu đồng, tiền phạt 20% trên số tiền thuế thu nhập DN phải nộp lên hơn 2 tỉ đồng. Theo quyết định của Tổng cục Thuế vào tháng 10.2019, tổng số tiền mà công ty phải nộp vào ngân sách trên 13 tỉ đồng.
“Đây là một thiệt hại rất lớn cho DN chúng tôi. Nhiều DN khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự do quy định này gây ra”, vị này bức xúc và đề nghị Chính phủ xem xét lại để điều chỉnh nội dung khống chế lãi vay cho hợp lý, hợp pháp, hợp tình. Đặc biệt, ra quy định hồi tố hoàn trả các khoản thiệt hại do cách tính áp đặt của quy định, xác định số thuế hoàn trả cho DN.
Sẽ có nghị định, thông tư mới
Trao đổi ngoài hội nghị với luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, về kiến nghị của DN hồi tố hoàn trả phần thuế, quyền lợi cho DN, ông Xoa cho rằng kiến nghị của DN là chính đáng bởi thời gian qua họ đã chịu thiệt hại nhiều.
Tính từ ngày 1.5.2017 - 1.7.2020, DN phải chịu đựng quy định bất cập này trong khoảng thời gian 3 năm 2 tháng. Đáng nói, từ Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đều biết quy định là bất cập nhưng từng đó năm lại không chịu sửa và khả năng DN còn chịu thiệt hại đến 1.7.2020. Đặc biệt, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Tài chính soạn dự thảo sửa đổi nhưng Bộ vẫn chưa trình, cơ quan thuế vẫn thu, DN vẫn phải chịu thiệt hại.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết trong thời gian tới sẽ có “chùm” nghị định, thông tư được ban hành liên quan đến hướng dẫn luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, trong đó có quy định liên quan đến NĐ 20 về giao dịch liên kết.
Bình luận (0)