Doanh nghiệp kinh doanh ăn uống chờ được bán rượu bia

16/11/2021 06:32 GMT+7

Các chủ nhà hàng đều cho rằng, cho bán đồ uống có cồn là động lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này quay lại thị trường.

Doanh số sẽ tăng gấp đôi

Theo Sở Công thương TP.HCM, từ ngày 1.10 đến nay, khoảng 60% doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống quay trở lại thị trường. Điều này có nghĩa là 40% DN, cơ sở kinh doanh ăn uống chưa hoạt động trở lại.

Sở này vừa có kiến nghị nên xem xét cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống bán đồ uống có cồn trở lại trong điều kiện có kiểm soát, đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết việc thí điểm sử dụng đồ uống có cồn tại các quán ăn ở TP.Thủ Đức và Q.7 đến nay không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. 2 địa phương này cũng đã đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện thí điểm. “Sở đã lấy ý kiến của một số chuyên gia, từ đó nhận thấy việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh”, đại diện Sở Công thương nói và nhấn mạnh các yếu tố bắt buộc như khách hàng phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày… Lãnh đạo các quận huyện tự đánh giá, chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh có sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn hay là không.

Sở Công thương TP.HCM kiến nghị xem xét cho các đơn vị kinh doanh ăn uống được bán đồ uống có cồn trở lại trong điều kiện có kiểm soát

Khả Hòa

Đề xuất này làm nức lòng giới chủ nhà hàng, quán nhậu tại TP.HCM. Ông Huỳnh Phương, chủ hệ thống nhà hàng Phố 79 tại TP.HCM, thừa nhận doanh thu của nhà hàng từ khi được mở bán tại chỗ đến nay đúng nửa tháng, chỉ đạt 20 - 30% so với ngày thường. Nếu cho mở bán thức uống có cồn, doanh thu chắc chắn sẽ gấp đôi, thậm chí có thể đạt 70 - 80% so với trước. Ông nói: “Khách của nhà hàng chủ yếu là giới kinh doanh nên cần có không gian, thời gian để gặp gỡ, trao đổi vấn đề công việc. Trong một vài trường hợp, thiếu thức uống có cồn, đôi khi hiệu quả công việc không thể như kỳ vọng, thế nên khách ngồi tại quán giảm nhiều hoặc không đến”.

Tương tự, chủ một nhà hàng bia cho biết công ty chưa mở cửa hoạt động trở lại do 70% doanh thu từ bia. Nếu không cho bán bia, mở bán chắc chắn cũng không đủ “sở hụi”. Thế nên nhà hàng này vẫn án binh bất động. “Việc quay lại bán hàng ăn lúc này đa số là phục vụ gia đình, ăn trưa, khối văn phòng, ăn sáng… còn khối nhà hàng chuyên bán thức uống có cồn như vườn bia, lẩu dê, lẩu bò… thì vẫn đóng cửa. Không bán bia, khách rất ít, thu lại không đủ bù chi. Đó là lý do đa số các nhà hàng trong tháng 11 này vẫn chưa quay lại thị trường”, vị này chia sẻ.

Thí điểm tốt thì phải mở...

Chuyên gia Vũ Quốc Chinh, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng ban đầu, cơ quan quản lý cấm bán rượu bia sau khi mở cửa trở lại xuất phát từ các lập luận: nếu người đi ăn mà không có rượu bia, họ sẽ đi ít lại, ngồi không lâu, không uống rượu bia thì kiểm soát được các hành vi, tránh lây lan dịch bệnh… Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau thời gian thí điểm cho kinh doanh thức uống có cồn tại Q.7 và TP.Thủ Đức, kết quả không đáng ngại. Số ca nhiễm mới không bùng phát tại các nhà hàng quán ăn của 2 địa phương kia. Quan trọng nhất lúc này là ý thức người hưởng dịch vụ là khách đi ăn quán. Những quán ăn, nhà hàng khu vực trung tâm nay nếu cho bán rượu bia sẽ không khác gì Q.7 và TP.Thủ Đức. “Chúng ta càng chần chừ, hoặc mở “he hé” lại mất cơ hội phục hồi của DN. Điều quan trọng thứ 2 là truyền thông của các phường, quận huyện tại các điểm kinh doanh này phải nhắc nhở cả khách lẫn chủ nhà hàng… “Khách đã được phép vào quán rồi thì ngồi lâu hay mau không quan trọng, quan trọng nhất là các tiêu chí mở cửa an toàn cũng đã có, vấn đề nhà hàng phải bảo đảm môi trường ngồi thông thoáng, khoảng cách tốt… Trước mắt cho mở bán thức uống có cồn, phục vụ giới hạn số khách. Chẳng hạn, quán lẩu 50 bàn, nay cho mở chỉ phục vụ 25 bàn trước đã với sự giám sát của chính quyền địa phương. Chọn cách mở từ từ và nhắc nhở thường xuyên, giám sát chặt… sẽ giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường hơn, mặt khác giúp DN phục hồi càng sớm càng tốt”, ông Vũ Quốc Chinh chia sẻ.

BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Người dân dù đi một mình hay đi cả gia đình đều nên chọn chỗ ngồi có khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2 m hoặc thuê phòng riêng. Nhân viên phục vụ cũng phải yêu cầu đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo an toàn.

Chuyên gia dịch tễ, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng việc không cho bán rượu bia lúc này là không cần thiết nữa do kinh nghiệm phòng chống dịch đã có, vắc xin đã phủ 2 mũi gần 100% và chính sách phòng chống dịch nay thay đổi nhiều, tiến đến miễn dịch cộng đồng. “Nếu cấm bán rượu bia, cấm đến bao giờ?”, ông đặt câu hỏi và nhấn mạnh: “Bây giờ ngồi tính cho bán hay chưa cho bán thức uống có cồn là thừa. Bởi có uống hay không, vào quán rồi thì ngồi lâu hay mau đều như nhau. Cấm uống bia rượu để hạn chế ngồi lâu, mất kiểm soát, nhưng Covid-19 nếu có, chỉ cần 1 phút tiếp xúc đã lây, chưa có báo cáo nào nói ngồi lâu 10 phút sẽ an toàn hơn ngồi 1 tiếng”.

Ông nói: “Bây giờ chỉ có 2 vấn đề: Hạn chế lớn nhất là tính cá nhân, tức chính người đi ăn quán đó, hiểu nguy cơ thế nào, nếu trong nhà đang có F0 điều trị hoặc mình là F1 thì không nên đi, nguy cơ lây lan dịch bệnh đến người khác. Ý thức người dân rất quan trọng. Với nhà quản lý, việc cần tập trung bây giờ là phát hiện vùng nguy cơ, phân loại và điều trị, tập trung lo chữa bệnh chứ không nên đóng cửa loại hình kinh doanh nào nữa. Nếu có điều kiện, tăng cường tiêm mũi thứ 3 cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh trở lại”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.