Cầm cự vừa làm vừa lo
Sau khi có nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất hiện các ca F0, đặc biệt là chùm 248 ca F0 tại Công ty CP kỹ nghệ Long Việt (TP.Dĩ An, Bình Dương), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đã lập tức tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến để ghi nhận tình hình hoạt động của các hội viên. Vẫn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ, ông Lê Xuân Tân, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc (Happy Furniture) chia sẻ trực tuyến với các DN cùng hiệp hội những hình ảnh của Happy Furniture đang thực hiện chế độ “3 tại chỗ” (3T). Phương án kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt với 3 lớp hàng rào có dây thép gai, từ khu sản xuất đến khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho người lao động, khu bố trí dành riêng cho F0... Ông Tân cho biết DN mất rất nhiều chi phí để xây dựng 1 khu vực sản xuất theo đúng tinh thần “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Trước khi áp dụng 3T, tất cả công nhân viên đều test nhanh, test PCR, có người được test tới 5 lần, chưa kể cồn phun khử khuẩn hằng ngày cho toàn bộ nhà máy... Số tiền bỏ ra rất lớn, trong khi sức tiêu thụ của thị trường giảm.
Bên cạnh đó, Happy Furniture cũng như nhiều DN chế biến gỗ khác vẫn không thể yên tâm bởi đang ngày càng nhiều DN thực hiện 3T tại Bình Dương xuất hiện ca F0, biến nhà máy thành nguyên một ổ dịch.
|
Tương tự, có nhà máy sản xuất gạo diện tích lớn tại Đồng Tháp, Tập đoàn Tân Long không gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai chỗ ăn, chỗ ngủ cho các công nhân ở lại. Tuy vậy, DN này cũng đang phải cố gắng để có thể duy trì hoạt động đến ngày hôm nay. Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long (điều hành thương hiệu Gạo A An), chia sẻ: Tân Long có thể quản lý 3T đối với lực lượng công nhân viên cơ hữu, nhưng công nhân bốc xếp tại kho, tại các bến cảng trước giờ vẫn sử dụng lao động tự do, nhận bốc xếp hằng ngày theo khối lượng để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Lực lượng này dù DN tạo điều kiện 3T họ cũng không chịu vì còn vướng bận gia đình, con cái. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy sấy lúa, bóc vỏ quy mô nhỏ phải đóng cửa vì không đáp ứng được 3T, trong khi đây là lực lượng đóng góp tích cực nhất khi vào mùa vụ. Do đó, năng lực sản xuất tại các nhà máy gạo của Tân Long chỉ hoạt động ở mức cầm chừng, công suất sản xuất chỉ còn khoảng 50% so với bình thường.
“Năng suất giảm, chi phí tăng chắc chắn ảnh hưởng tới giá thành nhưng đối với khối ngành lương thực, thị trường nội địa bán theo giá niêm yết nên DN không thể điều chỉnh theo thời vụ được. DN đang đội chi phí rất lớn, lại vừa làm vừa lo vì bản chất của sản xuất kinh doanh là cả chuỗi giá trị. Từ nguyên liệu đầu vào tới khâu chế biến, sản xuất, logistics vận chuyển hàng tới điểm bán… không thể tránh khỏi tiếp xúc. Chỉ cần 1 ca F0 là cả nhà máy sẽ thành ổ dịch”, ông Nguyễn Chánh Trung bày tỏ lo ngại.
Báo cáo nhanh về tình hình hoạt động của các DN thủy sản trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TP.HCM và các tỉnh thành phía nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) thông tin hiện nay chỉ có khoảng 30% DN thủy sản tại các tỉnh thành phía nam đảm bảo được điều kiện 3T và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50% số lượng lao động. Công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30 - 40%. Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%. Mặt khác, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, khiến các DN đảm bảo được 3T đang chịu áp lực rất lớn vì chi phí đầu vào tăng vọt.
Thu hẹp đối tượng 3T?
Theo ông Nguyễn Chánh Trung, chuỗi giá trị lúa gạo nằm trên cả chuỗi ĐBSCL chứ không chỉ riêng ở một tỉnh nào. Tương tự, các hoạt động sản xuất khác cũng phải “chạy” theo hệ thống, không thể yêu cầu DN tự tách mình ra, thực hiện 3T như một dạng phong tỏa. Chưa kể, hệ thống logistics, vận chuyển nguyên vật liệu, phân phối hàng hóa cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nếu tiếp tục duy trì tình trạng này, không chỉ bào mòn sức của DN mà còn ảnh hưởng rất lớn tới chuỗi sản xuất.
“Bộ Công thương và Bộ Y tế cần phối hợp, điều chỉnh các quy định phòng, chống dịch linh động hơn, thực tế hơn để DN có thể thông thương, tiếp tục duy trì được chuỗi sản xuất. Nên đánh giá lại 3T, cho áp dụng ở quy mô nhỏ thay vì áp dụng diện rộng trên toàn quy mô sản xuất công nghiệp như hiện nay”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long đề xuất.
Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng trong bối cảnh đại dịch, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nêu rõ: Tại các tỉnh phía nam, số DN nỗ lực áp dụng 3T là không ít, vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất - xuất khẩu. Tuy nhiên, những ngày qua đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình 3T ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng đã quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến DN và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các DN khác trên địa bàn.
Trong bối cảnh đó, chính quyền cấp tỉnh, huyện và ngay cả Ban Quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía nam đã ban hành các văn bản yêu cầu DN tăng cường xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên. Song lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan nên DN càng thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao.
Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV đề xuất nên tính toán thực hiện mô hình 3T ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. Đi kèm với việc thực hiện 3T, một quy trình phối hợp công - tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp DN có thể yên tâm vận hành công việc. Các địa phương yêu cầu DN thực hiện 3T cần xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy 3T và phổ biến, thảo luận trước với DN để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh.
Nhận định việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ là biện pháp tình thế tạm thời trong thời gian ngắn hạn và chỉ có thể kéo dài từ 2 - 3 tuần đối với các DN vừa, tối đa 4 - 5 tuần đối với các DN lớn hơn, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên hàng đầu tiêm vắc xin và thực hiện mục tiêu kép với trọng tâm mới. Theo đó, đề nghị Thủ tướng xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc xin Covid-19, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là người lao động (trong sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu; trong các nhà máy, các khu công nghiệp - thực hiện sản xuất cho xuất khẩu nói chung và sản xuất, xuất khẩu thủy sản nói riêng). Trong đó, đặc biệt ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại các địa phương.
|
Bình luận (0)