Doanh nghiệp lớn cũng cần hỗ trợ để bứt phá

29/05/2020 15:08 GMT+7

Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhấn mạnh như vậy trong buổi kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP.HCM sáng 29.5.

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết đã làm trong ngành dệt may 32 năm nay nhưng chưa bao giờ chứng kiến ngành dệt may gặp phải cảnh khó khăn như hiện nay, có thể nói là khó khăn kép cả đầu vào lẫn đầu ra. Các doanh nghiệp chưa có đơn hàng nào ký tái lại. Các công ty trong nước chủ yếu sản xuất kinh doanh đơn hàng cũ, các sản phẩm mùa hè có nguy cơ tồn kho cao. Có những đơn hàng đã xuất đi mà vẫn còn nằm ở cảng, chưa nhập khẩu được. Thị trường xuất khẩu lẫn nội địa cũng khó khăn, doanh thu hiện nay của các doanh nghiệp chỉ khoảng 30% cùng kỳ năm trước, đó là chưa kể các đối tác còn đề nghị giãn thời gian thanh toán hàng từ 60 lên 90 ngày… Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn này, ông Phạm Văn Việt kiến nghị ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay thời gian lên 24 tháng thay vì 12 tháng, giữ ổn định tỷ giá, giảm tỷ lệ ký quỹ…
Đại diện Tập đoàn Nguyễn Hoàng hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho hay tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong thời gian giãn cách chống dịch Covid-19. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp được phía ngân hàng đưa ra từ sớm, giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp như cơ cấu nợ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động trong và sau dịch… Tuy nhiên, vị đại diện này kiến nghị NH cũng là doanh nghiệp, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã chia sẻ lợi nhuận của mình để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Điều này chưa đủ nên NHNN cần kiến nghị lên Chính phủ có một gói tín dụng hỗ trợ nền kinh tế như các nước, gần đây nhất là khối Liên minh châu Âu đã dự kiến đưa ra gói hỗ trợ lên đến hàng tỉ euro. 
Tính đến ngày 25.5, theo NHNN, sau 2 tháng triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt trên 767.000 tỉ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch. Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ trên 3.800 tỉ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỉ đồng; cho vay mới đối với hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25.000 tỉ đồng. Riêng trên địa bàn TP.HCM, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ 48.325 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 17.448 khách hàng với dư nợ 45.096 tỉ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt 166.082 tỉ đồng.
Sau khi lắng nghe hơn 30 kiến nghị từ phía doanh nghiệp, ông Đào Minh Tú cho biết: “NHNN sẽ tiếp thu những ý kiến phía cộng đồng doanh nghiệp để có những điều chỉnh sao cho phù hợp. Điều tôi cho rằng rất cần được quan tâm ở đây chính là những doanh nghiệp mà chỉ cần hỗ trợ 1 chút là có thể khắc phục, vượt qua được khó khăn hiện nay. Chúng ta không phải chỉ quan tâm đến những doanh nghiệp khó khăn, yếu kém mà ngay cả những DN khỏe có khả năng bứt phá để phát triển nhưng vướng mắc trong vấn đề thị trường, trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm, chưa có dòng tiền. Đây là những nội dung cũng nằm trong chủ trương, chính sách của Nhà nước làm sao để khôi phục kinh tế một cách nhanh nhất. Không chỉ những doanh nghiệp yếu mà cả những doanh nghiệp khỏe, lớn cũng cần phải có hỗ trợ để sớm bứt phá. Đó là những vấn đề tôi rất tâm đắc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.