Doanh nghiệp lớn nhà nước đồng thanh kêu khó

21/02/2020 06:36 GMT+7

Không chỉ là câu chuyện của Tổng công ty đường sắt mà các doanh nghiệp từ hàng không, năng lượng đến kinh doanh vốn đồng loạt kêu khổ vì các dự án đầu tư đều đang lâm vào tình trạng bế tắc.

Đó là nội dung nêu lên tại buổi làm việc giữa Tổ công tác Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp  (ủy ban) diễn ra ngày 20.2.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Tổng công ty đường sắt VN (VNR), cho biết cả vạn công nhân thuộc 20 công ty của VNR đang không có lương. Nếu các gác chắn mà nghỉ việc, thì nguy cơ dừng chạy tàu là hoàn toàn có thể. Để đảm bảo việc chạy tàu và an toàn, ông Minh cho biết đành phải chỉ đạo 20 doanh nghiệp thuộc VNR tiếp tục thực hiện các dịch vụ công ích, dù biết rằng điều này “làm cũng sai mà không làm cũng sai”.
Tương tự, theo vị này, trong gói 7.000 tỉ đồng nâng cao kết cấu hạ tầng đường sắt mà Quốc hội đã giao cho ngành giao thông, thì tổng công ty đã được Bộ GTVT dành cho 2 gói. Tuy nhiên, do VNR không còn thuộc Bộ GTVT, nên Bộ không giao được nữa. Trong khi VNR quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng. Nếu giao cho người khác thì không khác gì “anh này cầm chai nước cho anh kia uống, sặc là cái chắc”. Ông Nguyễn Cao Lục, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay các kiến nghị, phản ánh của VNR đã nằm trên bàn Chính phủ. “Thủ tướng đã giao VNR trong mọi hoàn cảnh phải bảo đảm chạy tàu thông suốt và an toàn”, ông Lục nói.
Trong khi đó, câu chuyện chậm trễ trong thực hiện dự án đầu tư cũng là vấn đề khiến Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh bức xúc. Ông kể dự án mua thêm máy bay để phát triển đội tàu bay đã được doanh nghiệp trình từ 2 năm trước. Theo quy định thẩm quyền thẩm định là UBND TP.Hà Nội, nhưng đến nay thành phố chưa trình lên được cấp thẩm quyền, làm gián đoạn kế hoạch phát triển đội tàu bay. Trong khi trước đây việc này chậm nhất là 6 tháng, thậm chí hồi năm 2009 chỉ mất 3 tuần để lên đến Chính phủ. Tương tự, từ năm 2010 dự án nhà sửa chữa tàu bay đã được lập nhưng “đã xuyên thập niên” mà vẫn không xin được giấy phép xây dựng.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng thừa nhận do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ra đời sau một số luật nên đúng là có chuyện gặp khó khăn khi áp dụng các quy định của một số luật. Tuy nhiên, ông Thắng đặt vấn đề: Tại sao Vietjet, Bamboo vẫn áp dụng luật mà họ làm được. Phải chăng nằm ở cách vận dụng, áp dụng luật.
“Với các nội dung mà trong lúc chưa luật hóa được thì cần có những linh hoạt, vận dụng. Các cơ quan thẩm định chúng tôi không khắt khe gì giai đoạn thẩm định chủ trương”, ông Thắng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.